Trong buổi sáng ngày 7/4, các Thứ trưởng Tài chính đã nhóm họp Hội nghị Thứ trưởng Tài chính ASEAN để thảo luận báo cáo tiến độ triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực tài chính. Báo cáo đã tổng hợp nhiều lĩnh vực trọng tâm trong khu vực như: hợp tác bảo hiểm, thuế, hải quan, thị trường vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trong số các nhóm công tác, Việt Nam được vinh dự chủ trì nhóm công tác về hợp tác hải quan ASEAN giai đoạn 2024 – 2025, và đã tổ chức thành công hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vào tháng 6/2024 tại Phú Quốc, được các nước thành viên ASEAN đánh giá cao. Các báo cáo này sẽ được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 29 để các Bộ trưởng xem xét phê duyệt.

Trong phiên họp chung của các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN vào buổi chiều, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc đã đã lắng nghe, thảo luận và thống nhất nhiều chương trình nghị sự quan trọng như: Các sáng kiến kinh tế ưu tiên (PEDs) năm 2025; thảo luận Kế hoạch Chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2026 - 2030 và Báo cáo Giám sát hội nhập tài chính (AFIMR); Rà soát tiến độ thực hiện Lộ trình hội nhập tài chính – tiền tệ ASEAN (RIA-Fin)…

Các đại biểu đã đánh giá cao những nỗ lực của các ủy ban công tác trong việc triển khai các sáng kiến kinh tế ưu tiên năm 2025, cùng rà sóat tiến độ thực hiện Lộ trình RIA-Fin; đồng thời thảo luận sôi nổi về Kế hoạch AEC 2026 – 2030, để trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo lên các Bộ trưởng và Thống đốc. Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về Project Revive – sáng kiến của Malaysia nhằm cải tổ cơ chế hợp tác tài chính ASEAN theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành viên ASEAN triển khai các sáng kiến tài chính khu vực
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Phương – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của các nhóm công tác, ủy ban công tác trong việc thực hiện các nhiệm vụ của năm 2024, đồng thời khẳng định Bộ Tài chính Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp vào các kết quả chung của các nhóm công tác trong năm 2024.

Năm 2025 là năm quan trọng, kết thúc Kế hoạch chiến lược AEC 2016 – 2025 và chuẩn bị thực hiện Kế hoạch chiến lược AEC 2026 – 2030. Đại diện Việt Nam cùng với các Thứ trưởng và Phó Thống đốc ASEAN đã nhất trí thông qua các mục tiêu ưu tiên đã được các nhóm công tác, ủy ban công tác đề xuất cho năm 2025.

Ông Nguyễn Quốc Phương, Đại biểu Việt Nam (ngoài cùng, bên phải) chụp hình cùng các Đại biểu đến từ Malaysia, Đông Timor và Thái Lan (tính từ phải sang).

Cập nhật thêm về tình hình thời sự quốc tế, đại diện phía Việt Nam cho biết, vừa qua Hoa Kỳ đã đưa ra mức thuế quan đối ứng cao áp dụng cho hàng nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có các nước ASEAN. Điều này đã tạo ra bất ổn và thách thức to lớn đối với thương mại khu vực và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế ASEAN.

“Tôi đề nghị các nhóm công tác, đặc biệt là các nhóm công tác về thuế, hải quan cân nhắc đưa vào kế hoạch hợp tác 2025 các nghiên cứu, đánh giá tác động của việc gia tăng căng thẳng thương mại tới khu vực ASEAN cũng như các nước thành viên, đề xuất các giải pháp ứng phó tổng thể của cả khu vực nhằm giảm thiểu căng thẳng và thúc đẩy thương mại khu vực. Chúng ta, cộng đồng kinh tế ASEAN, cần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, đóng góp vào duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm, công bằng và dựa trên luật lệ, đồng thời duy trì đà tiến triển trong quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ” – ông Nguyễn Quốc Phương đề xuất.

Tại phiên họp sáng nay, ông Phương cũng nhấn mạnh rằng: “Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến tài chính khu vực, đóng góp vào mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN “kết nối hơn, bền vững hơn và bao trùm hơn” trong tương lai”.

Với sự đồng thuận cao, các Thứ trưởng và Phó Thống đốc, các đại biểu cũng đã thông qua dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương lần thứ 12 để trình lên các Bộ trưởng và Thống đốc phê duyệt tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 10/4/2025./.

Lộ trình Hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN

Lộ trình Hội nhập tài chính – tiền tệ ASEAN (RIA-Fin) được thành lập năm 2003 nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quá trình hội nhập tài chính và tiền tệ của ASEAN vào năm 2015. Lộ trình này bao gồm: Phát triển thị trường vốn ASEAN; tự do hóa các dịch vụ tài chính; tự do hóa tài khoản vốn.

Đến năm 2016, trên cơ sở Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC blueprints) 2016 – 2025 được phê duyệt, trong đó bao gồm cả các mục tiêu hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (AFMGM) đã thông qua Kế hoạch Hành động chiến lược (SAP) của Lộ trình Hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN 2016 - 2025. Các SAP bao gồm việc thúc đẩy hội nhập tài chính, hòa nhập tài chính và ổn định tài chính trong ASEAN và phù hợp với Khung giám sát và đánh giá Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các SAP cũng bao gồm các hành động chính sách, mục tiêu và mốc quan trọng để hướng dẫn thực hiện các sáng kiến ​​hội nhập của ngành tài chính.

Ở cấp độ khu vực tài chính, ASEAN đã thành lập 6 ủy ban công tác trực thuộc Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (AFMGM) cho từng lĩnh vực tài chính tương ứng để thực hiện các kế hoạch hành động như đã xác định trong SAP (bao gồm ABIF, CAL, CMD, FINC, FSL, PSS). Các ủy ban công tác căn cứ theo các mục tiêu trong SAP thuộc Lộ trình 2016 – 2025 để xây dựng các mục tiêu ưu tiên thực hiện hàng năm và kế hoạch cho năm tiếp theo.

Trên cơ sở Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC blueprints) 2026 – 2030, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng đã phê duyệt xây dựng Lộ trình hội nhập mới cho giai đoạn 2026 – 2030 nhằm thực hiện các mục tiêu của AEC Blueprints 2026 – 2030, hướng tới một thị trường tài chính tiền tệ ASEAN hội nhập sâu và bền vững./.