Thị trường phản ứng sớm

Tín hiệu xấu phát đi từ sớm cho phiên đầu tuần của chứng khoán châu Á nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng, là phiên cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ và châu Âu giao dịch muộn đã sụt giảm rất mạnh. Chỉ số S&P500 của Mỹ giảm tới 2,91%. Nguyên nhân của phiên bán tháo trên thị trường quốc tế là báo cáo lạm phát của Mỹ vượt dự kiến. Trong khi đó FED sẽ họp tuần này và quyết định bước tăng lãi suất tiếp theo để kiềm chế lạm phát. Nếu tốc độ tăng lạm phát vượt dự kiến thì hoàn toàn có khả năng FED sẽ tăng lãi suất nhanh hơn những gì thị trường trông đợi.

Do đó các thị trường chứng khoán đã phản ứng trước với rủi ro FED tăng lãi suất tới 75 điểm phần trăm, thay vì chỉ 50 điểm phần trăm. Thị trường trong nước tuy không có thông tin gì xấu, nhưng ảnh hưởng tâm lý từ bên ngoài là có. Mặt khác, yếu tố nội tại về một xu hướng phục hồi thiếu chắc chắn của VN-Index cũng có thể khiến nhà đầu tư ngại rủi ro hơn.

VN-Index kiểm định đáy cũ, dòng tiền có quay lại?
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Hành động phổ biến trên thị trường hôm nay là bán. VN-Index giảm sâu ngay từ buổi sáng và áp lực bán kéo dài tới trọn phiên. Chỉ số đóng cửa với mức giảm 57,04 điểm hay 4,44% là tương đương với phiên trước ngày tạo đáy tháng 5. Số lượng cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 12 lần số cổ phiếu tăng giá.

Không có bất kỳ cơ hội nào cho VN-Index hôm nay vì tất cả các cổ phiếu có khả năng nâng đỡ chỉ số đều giảm rất sâu. GAS là mã lớn duy nhất giảm dưới 1% (mất 0,59%), nhưng có tới 7 cổ phiếu giảm tới tận mức sàn trong rổ VN30. Ngoài ra VIC giảm 2,05%, VNM giảm 4,46%, VHM giảm 3,37%, HPG giảm 5,36%, VCB giảm 1,67%...

Trên cả sàn HoSE hôm nay có 162 cổ phiếu giảm hết biên độ, HNX có 59 mã và UpCOM có 15 mã. Như vậy số lượng cổ phiếu giảm sàn phiên này nhiều không kém các phiên trong tuần thứ 2 của tháng 5 vừa qua. Đó cũng là tuần thị trường tạo đáy, với VN-Index xuống thấp nhất 1156 điểm.

Nếu thị trường thật sự phản ứng sớm với các lo ngại về rủi ro FED tăng lãi suất quá gấp gáp để kiềm chế lạm phát thì nguy cơ những ngày tới vẫn còn. FED sẽ họp vào thứ năm tuần này (giờ Mỹ) và các thị trường chỉ có thể phản ứng với quyết định vào ngày thứ sáu. Nói cách khác, từ giờ đến cuối tuần, thị trường chứng khoán thế giới cũng như Việt Nam vẫn còn “lơ lửng” nỗi lo.

Dòng tiền có thay đổi trạng thái?

Điểm tích cực nhất trong phiên bán tháo hoảng loạn hôm nay là thanh khoản khá lớn: Chỉ tính riêng hai sàn khớp lệnh, tổng giá trị khớp đạt 19.902 tỷ đồng, tăng 13% so với phiên trước và đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/5. Khối lượng cổ phiếu giao dịch đạt 807,5 triệu đơn vị, tăng 36% và cũng là cao nhất kể từ phiên ngày 13/5.

Thị trường đang cho thấy có sự tương đồng nhất định với phiên hôm nay và phiên thị trường tạo đáy tháng 5 vừa qua. Thậm chí số lượng cổ phiếu giảm sàn cũng là gần như nhau. Việc thanh khoản tăng vọt hôm nay dĩ nhiên do nhà đầu tư chủ động bán tháo, nhưng nếu không có người mua thì đã không thể đẩy thanh khoản lên cao như vậy. Việc cổ phiếu đồng loạt quay trở lại đáy cũ – thời điểm tháng 5 mà nhiều người không tin rằng xu hướng giảm sẽ dừng lại – có thể xem là một cơ hội thứ hai.

Dĩ nhiên tình huống sẽ trở nên rủi ro hơn nếu như thị trường tiếp tục giảm. Tuy vậy, vẫn có những điểm tựa khác biệt với giai đoạn tháng 5, khi thị trường hiện tại chịu ảnh hưởng chủ yếu từ bên ngoài và FED tăng lãi suất là nguyên nhân chính. Trong khi đó hồi tháng 5, áp lực bán giải chấp mới là nguyên nhân chính khiến thị trường lao dốc.

VN-Index kiểm định đáy cũ, dòng tiền có quay lại?

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

17.766 đồng (+14%)

709,4 triệu (+26%)

2.126 tỷ đồng (+2%)

98,1 triệu (+13%)