CKVCB lên tiếng

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều tăng ấn tượng hôm nay. Nhưng phiên này đánh dấu sự trở lại của VCB. VCB chưa bao giờ là cổ phiếu dẫn dắt sóng tăng của các mã ngân hàng thời gian qua, mà là một cổ phiếu lạc nhịp, thậm chí còn kém cả EIB nếu xét về mức độ biến động.

VCB hôm nay tăng vọt 2,46% như một câu trả lời cho ngày T3 của phiên bùng nổ hôm 20/5. Đó cũng là phiên VCB chạm đáy và bật tăng. Điều này đồng nghĩa với áp lực chốt lời có thể xuất hiện. Thanh khoản của VCB hôm nay lên 3,81 triệu cổ phiếu, mức cao nhất 22 phiên.

Hẳn đã có nhiều nhà đầu tư bắt đáy chốt lời hoặc cắt lỗ. Điều này không có gì lạ vì chỉ từ đỉnh cuối tháng 4/2021 giá VCB đã giảm gần 10%. Ngược lại, hàng bắt đáy T+3, T+4 đã lãi khoảng 6%.

VCB tăng có điểm lợi là kéo chỉ số rất tốt vì mã này vốn hóa đang lớn thứ 2 thị trường sau VIC.

Mặc dù tăng rất ấn tượng nhưng các mã ngân hàng khác còn tốt hơn VCB nhiều, nhất là khi đem lại lợi nhuận khá hơn, dù kéo chỉ số không được nhiều. MBB tăng 3,02% và đang trên đường đi tìm đỉnh cao lịch sử mới. Trong khi VCB còn đang vất vả hòa vốn cho tháng 5 thì MBB đã tăng 18%. TPB phiên này tăng 5,2%, mạnh nhất nhóm, nâng tổng mức tăng của tháng 5 này lên 28,1%. Ngay cả cổ phiếu “nặng nề” không kém VCB là BID, hôm nay cũng tăng 1,52% và T+4 đang có lợi nhuận 14,2%.

Sự tổng hợp các cổ phiếu ngân hàng tăng tốt đã đưa lại tình thế quen thuộc: Chỉ số VN30-Index tăng tốt hơn chỉ số VN-Index và các chỉ số khác. VN30 đóng cửa với mức tăng 0,95% trong khi VN-Index tăng 0,82%, Midcap tăng 0,86% và Smallcap tăng 0,46%.

Dường như sự trở lại của các blue-chips đang rõ dần hơn sau 2 ngày chững lại. Rổ VN30 hôm nay có 18 mã tăng và 8 mã giảm thì số tăng vượt 1% là 13 mã. Đó là số lượng không hề nhỏ vì blue-chips để tăng được như vậy cần khá nhiều tiền.

Nhóm ngân hàng quay đầu tăng trở lại cũng lôi kéo các nhóm cổ phiếu khác đang nổi, trong đó có chứng khoán và thép. Cổ phiếu thép thì quá rõ vì giá thép tiếp tục đi lên. HPG tăng 3,06% hôm nay cũng là trụ ấn tượng. HSG tăng 5,79%, lại vượt đỉnh lịch sử lần nữa. Cổ phiếu chứng khoán có SSI tăng 2,76%, VCI tăng 1,78%, HCM tăng 0,67%, VND tăng 1,11%, SHS tăng 1,79%, MBS tăng 2,13%, BVS tăng 6,14%...

Thanh khoản có dấu hiệu giảm

Điểm trừ trong phiên hôm nay là dòng tiền vào không tăng lên rõ ràng. Thậm chí ngay cả VN30, nhóm cổ phiếu tăng tốt và trở lại vai trò dẫn dắt, thanh khoản cũng giảm.

Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX phiên này sụt giảm 11% so với hôm qua, chỉ đạt 19.415 tỷ đồng. Nhóm VN30 giao dịch giảm 18%. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này giảm thanh khoản rất mạnh như CTG giảm 64% khối lượng so với phiên trước, STB giảm 24%, TCB giảm 28%, VHM giảm 45%, VIC giảm 24%, VNM giảm 36%... Thậm chí ngay cả với các mã giao dịch cực kỳ sôi động gần đây như VPB cũng giảm gần 20%, HPG giảm 4%.

Thanh khoản giảm không phải là dấu hiệu xấu nếu chỉ là biểu hiện trong một phiên giao dịch. Thị trường cần nhiều thời gian hơn để kiểm chứng dòng tiền có quay lại cường độ mạnh như trước hay không. Nhóm ngân hàng là ví dụ, dòng tiền vào đây rất lớn suốt nhiều tuần, nên có thể thanh khoản suy yếu là một biểu hiện kém tích cực.

Với bình diện chung, thị trường vẫn đang có dòng tiền rất dồi dào. Tổng giá trị khớp hai sàn giảm 9% nhưng vẫn đạt 21.994 tỷ đồng. Giao dịch bao gồm cả thỏa thuận đạt 24.142 tỷ đồng, giảm gần 8%. Đây vẫn là mức giao dịch rất cao, cho thấy dòng tiền vẫn loanh quanh trong thị trường.

chứng khoán 25-5

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

19.415 tỷ đồng (-11%)

639,4 triệu (-5%)

2.579 tỷ đồng (+5%)

116,1 triệu (+9%)

Khánh Nhi