Điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa
Chính sách tài khóa (CSTK) là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng được Chính phủ sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và giảm nghèo bền vững. Mục tiêu của CSTK nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt khi nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, hay suy thoái..., chính sách tiền tệ (CSTT) là một trong những chính sách vĩ mô đầu tiên được sử dụng để phục hồi, phát triển kinh tế.
Trong năm 2022, sự phối hợp giữa CSTK với CSTT thể hiện ở 3 khía cạnh.
Thứ nhất, phối hợp trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, trong bối cảnh lạm phát, ở các nước có xu hướng tăng, ngân hàng trung ương của hầu hết các quốc gia đều sử dụng công cụ lãi suất cao để kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua nghiệp vụ thị trường mở để tác động đến khối lượng tiền trong lưu thông, nhằm kiểm soát lạm phát, giữ cho lãi suất tương đối ổn định trong 9 tháng năm 2022. Đồng thời, Bộ Tài chính nhanh chóng cơ cấu lại danh mục nợ, bằng cách tăng dần tỷ trọng vay từ nguồn trong nước, phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư. Điều này tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát và hỗ trợ hệ thống ngân hàng ổn định lãi suất.
Thứ hai, phối hợp điều chỉnh chính sách để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (DN) phục hồi. Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 về CSTK, CSTT hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ triển khai nghị quyết, Bộ Tài chính chủ động đề xuất và thực thi một loạt các chính sách miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Được sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ, xuất nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam lập kỷ lục mới. |
Đồng bộ với CSTK, CSTT được nới thận trọng, đặc biệt về liều lượng và mức độ. Việc NHNN ban hành, sửa đổi văn bản về gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn nợ... đối với khách hàng có khó khăn do Covid -19, mở rộng quy mô, phạm vi, đối tượng vay vốn được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, đã hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng.
Đồng thời, triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua các ngân hàng thương mại để cho vay các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, phối hợp trong việc ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao. Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái và lạm phát toàn cầu gia tăng, đồng USD lên giá mạnh… tác động bất lợi đến việc kiểm soát lạm phát, lãi suất thị trường, tỷ giá hối đoái và thị trường ngoại hối của Việt Nam, NHNN phải tăng lãi suất điều hành và điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD để sát với diễn biến của thị trường ngoại hối.
Trong bối cảnh lãi suất cho vay của các TCTD có xu hướng tăng cao, gây nhiều khó khăn cho cả ngân hàng và DN, thì CSTK đã đồng hành, sẻ chia khó khăn với cộng đồng DN và người dân bằng nhiều biện pháp: Phối hợp với các bộ ngành có liên quan một mặt rà soát các quy định quản lý đầu tư công hiện hành, mặt khác đẩy nhanh giải ngân đầu vốn tư công để tạo sức lan tỏa. Nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ còn lại trong năm. Kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi thao túng thị trường chứng khoán, có biện pháp xử lý những bất ổn trên thị trường trái phiếu DN...
Tiếp tục phối hợp hiệu quả để ổn định kinh tế vĩ mô
Trong bối cảnh năm 2023, kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, Chính phủ coi ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi kinh tế là mục tiêu cần phải đạt được. Như vậy, Bộ Tài chính và NHNN sẽ chủ động, linh hoạt điều hành CSTK, CSTT một cách hiệu quả với mục tiêu đặt ra: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; an toàn hệ thống ngân hàng.
Để đạt được mục tiêu này, thì CSTK và CSTT phải rất được chú trọng trong điều hành, cũng như phối hợp với các chính sách kinh tế khác. Cụ thể:
Phối hợp trong việc đảm bảo cân đối nguồn vốn cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đây cũng là đòi hỏi của nền kinh tế mà ngành Tài chính và Ngân hàng phải đáp ứng.
Thách thức trong quá trình điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ Chính sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp ổn định thị trường tài chính, ổn định hệ thống ngân hàng, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế tăng trưởng cao năm 2022. Tuy nhiên, khi triển khai các gói hỗ trợ nguồn từ ngân sách nhà nước, cũng làm gia tăng nợ, gia tăng bội chi ngân sách nhà nước. Cũng như khi mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, các tổ chức tín dụng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro nợ xấu gia tăng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro gia tăng. Những vấn đề trên ở một chừng mực nhất định cũng là thách thức trong quá trình điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. |
Năm 2023, huy động vốn của ngành Ngân hàng vẫn tiếp tục gặp khó khăn, do người dân luôn kỳ vọng lạm phát cao, trong khi một số ngân hàng thương mại vẫn trong quá trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Do đó, ngành Ngân hàng cân đối nguồn vốn không chỉ đáp ứng vốn cho DN phát triển, mà còn phải đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống. Vì thế điều hành CSTK, CSTT sẽ theo hướng thận trọng. CSTT theo hướng chặt chẽ, CSTK có độ mở trong ngắn hạn với sự kiểm soát và từng bước thu hẹp độ mở.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với CSTK để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% nguồn từ NSNN 40.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 23.000 tỷ đồng, còn khiêm tốn.
Đẩy nhanh cơ cấu lại thu, chi NSNN theo hướng bền vững. Nâng cao hiệu quả phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội.
Coi trọng công tác truyền thông chính sách. Điều này không chỉ giúp Bộ Tài chính, NHNN sử dụng các công cụ chính sách hợp lý, đủ liều lượng, đúng thời điểm, mà còn định hướng được dư luận, tạo được niềm tin của dân chúng vào chính sách của Nhà nước, các bộ, ban ngành.