Kinh tế Đông Á tăng trưởng chậm lại
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Manuela V. Ferro - Phó Chủ tịch WB khu vực EAP nhấn mạnh rằng, các quốc gia trong khu vực EAP vẫn đóng vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại.
Để duy trì đà phát triển mạnh mẽ trong trung hạn, các nước EAP cần chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế, nhằm thích ứng với sự thay đổi trong mô hình thương mại và công nghệ.
Tăng trưởng GDP tại Trung Quốc và EAP. |
Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ đạt 4,8% trong năm 2024, nhưng sẽ giảm xuống còn 4,4% vào năm 2025.
WB dự báo rằng, các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2024 và 3,4% vào năm 2025 khi ngành du lịch khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư vẫn yếu ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. |
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, tăng trưởng được dự đoán sẽ giảm từ 4,8% năm nay xuống còn 4,3% vào năm 2025, do tình trạng yếu kém của thị trường bất động sản, sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư, cũng như các thách thức cơ cấu như già hóa dân số và căng thẳng toàn cầu.
Ngược lại, các nước khác trong khu vực được kỳ vọng sẽ tăng trưởng từ 4,7% năm 2024 lên 4,9% vào năm 2025, nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu hàng hóa và du lịch. Trong các quốc gia lớn, chỉ có Indonesia được dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bằng hoặc vượt mức trước đại dịch vào các năm 2024 và 2025.
3 thách thức lớn với tăng trưởng EAP
Trong bối cảnh hiện tại, Báo cáo Cập nhật Kinh tế EAP tháng 10/2024 của Ngân WB đã nêu ra ba yếu tố chính có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng khu vực bao gồm sự thay đổi trong thương mại và đầu tư, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và sự gia tăng bất ổn chính sách toàn cầu.
Tỷ lệ lao động chia theo các nhóm ngành nghề khác nhau ở các quốc gia EAP. Nguồn: Microdata, ILOSTAT, China Census 2020. |
Theo đó, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc đã hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, động lực này đang dần suy giảm khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, vốn từng là yếu tố kéo các quốc gia khác theo, nay tăng chậm hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP.
Ông Aaditya Mattoo - Kinh tế trưởng khu vực EAP của WB nhận định rằng, mô hình phát triển của Đông Á dựa vào thị trường toàn cầu mở và sản xuất thâm dụng lao động đang đối mặt với thách thức từ căng thẳng thương mại và sự xuất hiện của công nghệ mới. Giải pháp tối ưu là mở rộng các hiệp định thương mại và đào tạo người lao động để họ có thể tận dụng những cơ hội từ công nghệ mới. |
Hơn nữa là bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế EAP. Không chỉ là những lo ngại về địa chính trị, sự gia tăng bất ổn trong chính sách kinh tế có thể khiến sản lượng công nghiệp và giá cổ phiếu ở khu vực EAP giảm lần lượt tới 0,5% và 1%.
Ngoài ra, 1 phần đặc biệt cũng được đề cập đến là việc các quốc gia trong khu vực có thể tận dụng công nghệ mới để tiếp tục tạo việc làm. Robot công nghiệp, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng số đang tác động mạnh đến thị trường lao động trong khu vực.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, việc áp dụng robot đã giúp tạo ra khoảng 2 triệu việc làm cho lao động có kỹ năng nhờ năng suất được cải thiện và sản xuất mở rộng, nhưng cũng thay thế khoảng 1,4 triệu lao động có kỹ năng thấp ở các quốc gia ASEAN-5.
Mặc dù khu vực EAP ít chịu rủi ro bị AI thay thế hơn so với các nền kinh tế phát triển, nhưng khu vực này cũng gặp khó khăn trong việc khai thác tối đa lợi ích từ AI do chỉ 10% công việc có liên quan đến nhiệm vụ bổ trợ cho AI, so với khoảng 30% ở các nền kinh tế tiên tiến./.