Khẩn trương triển khai nhiệm vụ

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-TCDT về việc xuất cấp hơn 33.508 tấn gạo dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2022 - 2023, trong đó giao Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn thực hiện xuất cấp hơn 6.549,5 tấn gạo DTQG hỗ trợ học sinh ở 3 tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang). Thời hạn hoàn thành giao, nhận gạo đến hết ngày 15/4/2023.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân.

Theo ông Lê Tiến Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn, ngay sau khi nhận nhiệm vụ của Tổng cục DTNN giao, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo của các địa phương sớm có văn bản đề nghị với UBND 3 tỉnh (Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang) ban hành quyết định phân bổ, phương án và thời gian tiếp nhận gạo để kịp thời giao cho các em học sinh thuộc các đối tượng được hỗ trợ.

“Các địa phương đều là tỉnh miền núi, đi lại khó khăn, số lượng gạo DTQG cấp lớn, nên đơn vị đã chủ động liên lạc với địa phương bằng nhiều hình thức, như: điện thoại, thư điện tử, trao đổi trực tiếp… để sớm có quyết định của UBND các tỉnh về việc phân bổ gạo hỗ trợ cho học sinh” - ông Lê Tiến Dũng cho biết.

Song song với đó, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho Chi cục DTNN Yên Bái và Chi cục DTNN Tuyên Quang thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giao nhận gạo theo quy định; thực hiện công tác lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực, lựa chọn nhà thầu vận chuyển, bốc xếp để đảm bảo kế hoạch xuất hỗ trợ được thực hiện đúng thời gian, tiến độ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã cử công chức tham gia trực tiếp đi áp tải, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo được giao xuất cấp cho các địa phương và giao nhận gạo hỗ trợ đến trung tâm các huyện lỵ; phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các huyện giao gạo đến điểm trường để các em học sinh trong diện được thụ hưởng đảm bảo tính kịp thời, đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của UBND các tỉnh Hà Giang, Yên Bái và Tuyên Quang.

"Để làm tốt công tác quản lý đảm bảo chặt chẽ, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo cục làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, giám sát quá trình giao nhận gạo và hướng dẫn công tác bảo quản gạo DTQG sau khi tiếp nhận tại các trường" - ông Lê Tiến Dũng nhấn mạnh.

Kết quả, từ ngày 11/3/2023 đến ngày 15/4/2023, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã hoàn thành giao nhận 6.549,593 tấn gạo từ nguồn DTQG hỗ trợ cho học sinh đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể: từ ngày 11/3 đến hết ngày 18/3/2023, đơn vị xuất cấp, vận chuyển, giao nhận 1.545,292 tấn gạo tại 6 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái; từ ngày 28/3 đến hết ngày 7/4/2023 hoàn thành giao nhận 975 tấn gạo tại 7 huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang; từ ngày 17/3/2023 đến hết ngày 15/4/2023, hoàn thành giao nhận hơn 4.120,3 tấn gạo tại 11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang.

Quản lý an toàn hàng hóa dự trữ

Để có được hàng hóa DTQG đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, kịp thời xuất cấp khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục DTNN, đơn vị xác định công tác bảo quản hàng hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Hoàn thành xuất cấp trước hạn

Trong học kỳ I năm học 2022 - 2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn cũng đã sớm hoàn thành trước hạn xuất cấp hơn 2.353,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang (hơn 93,2 tấn), Yên Bái (hơn 1.480,6 tấn), Tuyên Quang (780 tấn).

Hàng năm, Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đều xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng hàng hóa từ đầu năm, kết hợp với phát động phong trào thi đua xây dựng vùng kho “an toàn - xanh - sạch - đẹp” theo các tiêu chí chấm điểm sát thực, qua đó đánh giá công tác bảo quản góp phần thúc đẩy phong trào thi đua trong công chức, người lao động nhằm bảo quản an toàn hàng hóa DTQG và xây dựng, cải tạo vùng kho dự trữ khang trang, sạch đẹp hơn.

Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch được Tổng cục DTNN giao, đơn vị đã chỉ đạo các chi cục DTNN trực thuộc chủ động tiến hành kiểm tra hiện trạng thực tế kho tàng để đầu tư kinh phí sửa chữa; khẩn trương tiến hành vệ sinh, kê lót sát trùng kho, bố trí sắp xếp lao động, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ kỹ thuật phục vụ cho công tác nhập vật tư, hàng hóa. Việc đầu tư, sử dụng kinh phí cho công tác bảo quản được sử dụng đúng định mức, mục đích và hiệu quả.

Đơn vị luôn khuyến khích công chức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tích cực ứng dụng triển khai công nghệ tiên tiến trong bảo quản hàng DTQG; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ý thức trách nhiệm nhằm bảo quản an toàn hàng DTQG cả về số lượng và chất lượng...

Qua đợt kiểm tra mùa xuân năm 2023 cho thấy, các chi cục DTNN trực thuộc (Yên Bái, Tuyên Quang) đều xếp loại “hoàn thành xuất sắc”. Các chi cục DTNN duy trì tốt công tác kiểm tra bảo quản hàng hóa DTQG, kịp thời phát hiện và xử lý các biến động về chất lượng; thủ kho bảo quản thường xuyên vệ sinh hàng DTQG, màng PVC, vệ sinh trong và ngoài kho sạch sẽ; thực hiện ghi chép sổ theo dõi bảo quản hàng ngày, cập nhật đầy đủ, cụ thể các công việc đã thực hiện, công tác bảo quản định kỳ theo quy chuẩn của từng mặt hàng DTQG.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình hoàn thành xuất cấp vật tư, thiết bị

Từ ngày 27/2/2023 đến ngày 19/4/2023, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình đã xuất cấp hoàn thành 100% số lượng vật tư, thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn về chất lượng và thời gian quy định.

Cụ thể, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình đã xuất cấp cho 6 đơn vị thuộc ban chỉ huy phòng chống thiên tai các bộ, ngành, địa phương (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân khu 5, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Bình Định), gồm các vật tư, thiết bị: 5 bộ xuồng các loại; 260 bộ nhà bạt 16,5 m; 9.000 chiếc phao tròn cứu sinh; 7.000 chiếc phao áo cứu sinh; 70 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 2 chiếc máy phát điện các loại; 2 bộ thiết bị khoan cắt.

Đơn vị kịp thời triển khai các công việc phục vụ công tác xuất cấp như: phân bổ số lượng hàng xuất cấp, quyết định giao nhiệm vụ xuất cấp cho các chi cục; có văn bản về việc tiếp nhận vật tư, thiết bị gửi các đơn vị tiếp nhận, trong đó thông báo cho bên nhận hàng về kế hoạch tiếp nhận, danh mục, số lượng mặt hàng, địa điểm nhận hàng, thời gian tiếp nhận, địa chỉ, số điện thoại cần liên hệ và các thủ tục khi giao, nhận hàng để các đơn vị thuận tiện trong quá trình thực hiện; chỉ đạo các phòng liên quan phối hợp với các chi cục xuất hàng tiến hành kiểm tra về số lượng, chất lượng, hồ sơ kèm theo của các vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia xuất cấp; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, các công cụ, dụng cụ, phương tiện sẵn sàng để xuất cấp.

Ngoài ra trong thời gian xuất cấp đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, phối hợp và đôn đốc các đơn vị tiếp nhận nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.