Việt Nam vẫn giữ vị thế số 1 về xuất khẩu gạo vào Philippines |
Giá gạo trong nước diễn biến ngược chiều so với giá gạo thế giới
Hiện nay, giá lúa gạo trên thế giới đang giảm. Trên thị trường châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong tuần này, xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do đồng Rupee giảm giá và nguồn cung tăng.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được chào bán ở mức từ 442 - 449 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023 và giảm so với mức từ 450 - 484 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm được chào bán ở mức từ 449 - 455 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo 2024 có khả năng vượt mục tiêu 5 tỷ USD. Ảnh: TL |
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống còn từ 485 - 495 USD/tấn, từ mức 510 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân cho rằng, nguyên nhân là do đồng Baht yếu và biến động tiền tệ. Một thương nhân ở Bangkok cho biết, gần đây, do gạo Thái Lan rẻ hơn nên có cơ hội thắng thầu từ Indonesia.
Hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây là định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng nhằm tăng giá trị xuất khẩu. Đơn cử, giữa tháng 10 vừa qua, hơn 1.000 tấn gạo chất lượng cao của doanh nghiệp đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ đầu tháng 10 với giá bán khoảng 800 USD/tấn. |
Ngược chiều với giá thế giới, giá gạo nguyên liệu trong nước lại tăng, đang gây áp lực lên các doanh nghiệp thu mua lúa gạo và xuất khẩu. Theo hệ thống khảo sát giá nông sản, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu hiện dao động ở mức 10.550 - 10.700 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 có giá 12.600 - 12.750 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo trong nước đang diễn biến ngược chiều so với giá gạo thế giới, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão lũ trong tháng 9/2024 khiến hàng trăm héc ta lúa ở miền Bắc bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn cung gạo trong nước giảm. 2 tháng cuối năm, nguồn cung gạo không còn dồi dào, vì vậy một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm.
Xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn
Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa thông báo, khối lượng xuất khẩu gạo tháng 10 năm 2024 ước đạt 800.000 tấn với 505 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đến cuối tháng 10/2024, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi xuất khẩu vào thị trường Philippines, chiếm gần 80% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này.
Xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn. Ảnh: TL |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 8,13 triệu tấn gạo. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 8 triệu tấn. Vừa qua, Ấn Độ đã mở cửa xuất khẩu gạo trở lại và gạo 5% tấm có sự ảnh hưởng nhất định nhưng ở chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, Việt Nam vẫn duy trì được giá xuất khẩu tương đối tốt".
Theo nhận định của các chuyên gia, dù giá lúa gạo vẫn thuận lợi cho các doanh nghiệp. Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2024, các doanh nghiêp xuất khẩu gạo Việt Nam phải luôn đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Đồng thời phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo bởi, điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của đất nước.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu gạo cuối năm, ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp cho hay, xuất khẩu gạo vẫn sẽ là điểm sáng của kinh tế. Do đó, doanh nghiệp phải bám sát các thông tin về diễn biến của thị trường, sự thay đổi của người tiêu dùng để tìm các thị trường ngách./.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, năm 2024 Việt Nam có thể xuất khẩu lượng gạo kỷ lục là 8,6 triệu tấn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới với 2,9 triệu tấn, chỉ sau Indonesia và Philippines. |