Xuất khẩu rau quả kỳ vọng "bùng nổ" trong năm 2024
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: TL

Xuất khẩu rau quả lập mốc kỷ lục mới

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đặc biệt, thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với trên 2 tỷ USD. Đây là một trong hai mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao kỷ lục trong bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2023.

Top các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia… Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm tỷ trọng 65%.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng trưởng tốt nhờ một số Nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022, bên cạnh đó, 16 hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với các nước đã hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, trong đó có mặt hàng rau quả.

Đặc biệt, trong năm có nhiều vùng nguyên liệu rau quả được mở rộng và người nông dân đã canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên được các thị trường xuất khẩu chấp nhận. Hơn nữa, vào ngày 8/1/2023, Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero Covid, tạo điều kiện thông thương hàng hóa giữa hai nước được thuận lợi hơn, cộng với “cú hích” rất quan trọng là vào tháng 7/2022 Việt Nam ký được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Khơi thông thị trường cho nhiều loại trái cây

Xuất khẩu rau quả kỳ vọng
Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đã tăng gấp khoảng 5 lần, đạt mức hơn 2 tỷ USD. Ảnh: TL

Năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD. Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu với nhiều sản phẩm đang chờ đón được mở cửa.

Hiện Bộ NN&PTNT đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024 . Ông Phùng Đức Tiến -Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến thời gian tới có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.

Song song với quá trình đàm phán mở rộng thị trường với các mặt mới sang thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; thực hiện kiểm tra, kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu; trong đó, chú trọng các loại quả chủ lực và thị trường trọng tâm như Mỹ, châu Âu..., góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản của Việt Nam.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tự tin khi cho rằng, rau quả và trái cây của Việt Nam sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu 10 tỷ USD. Để chinh phục cột mốc này, mặt hàng rau quả và trái cây rất cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng, thương hiệu, nghiên cứu giống, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Cùng với việc xuất khẩu tươi thì cũng cần đầu tư công nghệ để chế biến sâu, gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp giảm áp lực mùa vụ khi thu hoạch rộ.

Nhằm giữ uy tín, thị trường cho trái cây xuất khẩu Việt Nam, về phía cơ quan nhà nước, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cục chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các Nghị định thư. Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các nước nhập khẩu cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…