Chương trình cho vay NS&VSMTNT của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm mục đích giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch và các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Chương trình cho vay NS&VSMTNT được thực hiện qua 2 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn 1 (2004-2005) thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh: Sơn La, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Khánh Hoà, Bình Thuận, Đắk Lắk, Tiền Giang, Kiên Giang; giai đoạn 2 (từ năm 2006 đến nay): thực hiện mở rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Để Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp, sát với thực tế, ngày 03/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 18/2014/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung Điều 3 của quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT.
Theo đó đối tượng vay vốn là “Hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia được UBND cấp xã xác nhận”. Mức cho vay tối đa là 6 triệu đồng/công trình/hộ. Với lãi suất được Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ, hiện nay là 0,75%/tháng.
Kết quả, sau 12 năm thực hiện, đến hết ngày 31/10/2016 doanh số cho vay của chương trình cho vay NS&VSMTNT đạt 40.561 tỷ đồng với hơn 5 triệu lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ: 16.919 tỷ đồng, dư nợ của chương trình là 23.631 tỷ đồng với hơn 2,5 triệu khách hàng. Thông qua cho vay vốn, các hộ gia đình đã xây dựng được 8,7 triệu công trình NS&VS trong đó xây dựng 4,4 triệu công trình nước sạch và 4,3 triệu công trình vệ sinh. Nợ quá hạn 37 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ.
Trong đó, nhiều hộ dân cùng kinh phí tự có, đã xây dựng được công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đồng bộ, khép kín, gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình.
Qua kết quả trên có thể thấy rõ, việc thực hiện chương trình NS& VSMTNT đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường và chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, vì sức khỏe cộng đồng./.
Hồng Quyên