Áp dụng các giải pháp hiện đại giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ

Công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã được đổi mới toàn diện theo hướng thống nhất, hiện đại, chuyên nghiệp. Ảnh: TL

Áp dụng các giải pháp hiện đại giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ
Bà Nguyễn Thị Mai Anh

PV: Bà đánh giá thế nào về công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế trong thời gian qua? Các giải pháp hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đem lại kết quả thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Với bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái gần đây, áp lực ngân sách và mô hình kinh doanh thay đổi liên tục, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thuế từ trung ương đến địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát hóa đơn cũng như phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để chống lại các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Các giải pháp hiện đại đang áp dụng như ứng dụng công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro lựa chọn doanh nghiệp (DN) khi lập kế hoạch hàng năm của cơ quan thuế các cấp, áp dụng công nghệ để quản lý đối chiếu dữ liệu hóa đơn với tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) để cảnh báo sớm đã đẩy nhanh thời gian phân tích, đánh giá và tổng hợp báo cáo cho cơ quan thuế, đảm bảo tính minh bạch, khách quan và hiệu quả.

Các giải pháp này giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ. Cơ quan thuế có thể tập trung được nguồn lực vào các lĩnh vực kinh doanh và các mảng tiềm ẩn rủi ro, ví dụ như: hoạt động kinh doanh bất động sản, hóa đơn, hoàn thuế GTGT…

PV: Dưới góc độ của đơn vị làm dịch vụ tư vấn hỗ trợ thanh, kiểm tra cũng như giải quyết tranh chấp về thuế, xin bà cho biết, những rủi ro về thuế mà DN thường gặp phải là gì, và nguyên nhân từ đâu?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Rủi ro chủ yếu DN hay gặp phải xoay quanh việc không tuân thủ chính sách thuế, ví dụ như: kê khai sai, không điều chỉnh chi phí không hợp lý hợp lệ, không đáp ứng đủ các điều kiện để áp dụng ưu đãi thuế thu nhập DN hay xin hoàn thuế GTGT. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc DN không nắm rõ các quy định và thực tiễn thanh, kiểm tra hiện hành. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhân viên chuyên trách còn cần các kiến thức liên quan đến các quy định khác bên cạnh kế toán và thuế như hải quan, pháp lý, bảo vệ môi trường, thương mại... để đảm bảo DN tuân thủ và lưu trữ đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định.

Ngoài ra, từ khi cơ quan thuế triển khai hóa đơn điện tử và tăng cường công tác quản lý, đối chiếu hóa đơn với tờ khai thuế GTGT, DN gặp nhiều rủi ro và chất vấn về hóa đơn. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc DN chưa kiểm tra kỹ hóa đơn từ nhà cung cấp, hoặc nhà cung cấp đã hủy hóa đơn hay không kê khai nộp thuế...

PV: Vậy theo bà, các DN cần phải làm gì để tránh những rủi ro, trong quá trình tuân thủ pháp luật thuế?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Do quy định và thực tiễn áp dụng liên tục thay đổi, đặc biệt trong thời gian tới nhiều chính sách thuế sẽ có điều chỉnh đáng kể, nên việc đầu tiên DN nên thường xuyên cập nhật chính sách, quy định về thuế và các mảng liên quan khác để nâng cao tính tuân thủ cho các hoạt động hàng ngày. Ở mức độ cao hơn, trước khi thực hiện các giao dịch hay mô hình kinh doanh quan trọng, DN nên tham vấn chuyên môn từ các chuyên gia tư vấn để có kế hoạch chi tiết đảm bảo hiệu quả và quản lý được rủi ro.

Ngoài ra, việc chủ động soát xét tình hình tuân thủ thuế thường xuyên từ một đến hai năm/lần cũng rất quan trọng để có thể kịp thời khắc phục các rủi ro thuế tiềm tàng. Hình thức "kiểm tra sức khỏe về thuế" này đặc biệt cần thiết đối với các lĩnh vực có rủi ro cao hoặc có các vấn đề về thuế tiềm tàng, ví dụ như: ngành bán lẻ, DN có chuyển nhượng vốn, DN đang hưởng ưu đãi thuế, DN đã xin hoàn thuế GTGT, DN có lượng lao động lớn...

Đồng thời, DN cũng nên nắm bắt quy trình thanh kiểm tra thuế, các yêu cầu và chất vấn của cơ quan thuế trong quá trình thanh kiểm tra thuế để chuẩn bị hồ sơ chứng từ và có điều chỉnh phù hợp.

PV: Còn đối với cơ quan thuế, bà có khuyến nghị gì để cơ quan này thúc đẩy thực hiện tuân thủ pháp luật về thuế của các DN được tốt hơn, cũng như giúp cho DN bớt rủi ro về thuế?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho DN vô cùng quan trọng, khi các quy định về thuế còn nhiều điểm cần làm rõ hơn, dẫn đến việc DN gặp khó khăn khi muốn tuân thủ làm giảm hiệu quả và tăng chi phí hoạt động. Do đó, cơ quan thuế nên cân nhắc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giải đáp cho doanh nghiệp các chính sách thuế một cách cụ thể rõ ràng và kịp thời để tăng tính minh bạch và tạo động lực tuân thủ cho DN.

Tiếp theo, trong thời gian gần đây, nhiều DN gặp chất vấn và các điều chỉnh về thuế lớn liên quan đến các hóa đơn từ nhà cung cấp "bỏ trốn", trong đó có rất nhiều trường hợp vấn đề của nhà cung cấp nằm ngoài tầm kiểm soát của DN. Vì vậy, cơ quan thuế cân nhắc để có cách áp dụng hợp lý, hợp tình với DN; đồng thời kịp thời thông tin về các nhà cung cấp có rủi ro cao và thời điểm không được kê khai khấu trừ chi phí và thuế của các hóa đơn liên quan để DN có thể chủ động theo dõi, điều chỉnh.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng nên lắng nghe và ghi nhận ý kiến phản hồi của DN từ các kênh khác nhau để tổng kết, đánh giá và hoàn thiện quy trình hướng tới chống thất thu thuế một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhất.

PV: Xin cảm ơn bà!