Tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng

Sau 7 tháng, vùng Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển. Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích cả nước nhưng vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo về phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Việt Dũng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo về phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Việt Dũng

Thống kê cho thấy, số thu ngân sách nhà nước sau 7 tháng của vùng đạt 452 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng thu ngân sách nhà nước và đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (51,1%). Giá trị xuất khẩu đạt trên 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu cả nước (sau đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ gần 35%). Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế, với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Đông Nam Bộ cũng là vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư FDI thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024, tương ứng 20 nghìn dự án và 187,4 tỷ USD, trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu khi chiếm gần 32% dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký. 6/6 địa phương trong vùng đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế - xã hội và đang gửi lấy ý kiến, trong đó ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng vùng Đông Nam Bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt như: chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong vùng; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược…

Tuy là vùng kinh tế sôi động và đầy tiềm năng, nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế vùng dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước, khi chỉ đạt 5,58%, tức chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%) và thấp hơn mức bình quân chung cả nước.

Hiện tại, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương trong vùng, với 17/18 bộ, ngành và 5/6 địa phương đã tham gia ý kiến. Sau khi có đủ ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và hoàn thiện kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phải tập trung phát triển mạnh 3 lĩnh vực

Tại hội nghị Hội đồng vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4 vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thừa nhận, quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương trong vùng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động giải quyết, nắm chắc tình hình, tập trung vào rà soát lại mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 để tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, một trong nhiều dự án có tiến độ giải ngân tích cực. Ảnh Đỗ Doãn
Giải ngân đầu tư công là một trong nhiều lĩnh vực cần tập trung đẩy mạnh để phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Đỗ Doãn

Đặc biệt là tập trung ''3 đẩy mạnh'' gồm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, dẫn dắt, thu hút nguồn lực toàn xã hội; đẩy mạnh ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành mới nổi khác liên quan sản xuất chíp, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu để tạo động lực mới, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng. Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng gồm Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối…

Thủ tướng giao TP. Hồ Chí Minh chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án Đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh; giao TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025…

Liên quan đến phát triển vùng Đông Nam Bộ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 138/2024QH15 ngày 28/6/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung Quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) tại Quyết định số 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024.