Chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh - nhiệm vụ xuyên suốt
Thực hóa Nghị quyết 02/2024 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ xuyên suốt. Nhiệm vụ này không chỉ nhằm nâng cao năng lực quản trị công, chính quyền số mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của địa phương.
![]() |
Chuyển đổi số được triển khai sâu rộng trong các sở, ban, ngành tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: CTV |
Chính vì vậy, ngày 17/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã ký ban hành quyết định về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024.
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu tiếp tục thực hiện, triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Đưa ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu thuộc top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số.
Đề cập đến việc cụ thể hoá kế hoạch nêu trên, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, chuyển đổi số là công cuộc chuyển đổi nhận thức của toàn dân. Do vậy, từng cán bộ, công chức, người đứng đầu phải nắm và hiểu thì công tác tuyên truyền, vận động người dân mới hiệu quả: “Ngoài người đứng đầu thì cán bộ, công chức cũng phải hiểu chuyển đổi số, khi cán bộ công chức không hiểu thì làm sao người dân hiểu được. Chúng ta cứ hiểu đơn giản, chuyển đổi số là chuyển từ hình thức thủ công, thậm chí bằng máy nhưng vẫn là con người nhưng bây giờ chuyển sang số hoá”. Ngoài cán bộ công chức, mỗi người dân tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Người dân đồng hành chuyển đổi số
Cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ và kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công tác chuyển đổi số được xem là nhiệm vụ trong tâm, bắt buộc từng cán bộ, công chức phải áp dụng và thực hiện, cũng là giải pháp giúp nâng cao tiếp cận chỉ số về đất đai của người dân và doanh nghiệp.
![]() |
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức chuyển đổi số. Ảnh: CTV |
Theo ông Lê Anh Tú - Phó Giám đốc Sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành tài nguyên, kết nối chia sẻ với các hệ thống thông tin khác, góp phần tăng năng suất lao động của công chức, viên chức và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tích hợp dữ liệu đất đai vào ứng dụng VNeID, triển khai xây dựng các robot để phân tích dữ liệu, hỗ trợ quá trình xử lý công việc của công chức, viên chức, phục vụ quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên, của địa phương và của Trung ương.
“Đây là nhiệm vụ bắt buộc không riêng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà phải kết nối chung hệ thống dữ liệu của Trung ương, nhằm tạo ra chính quyền đô thị, chính quyền điện tử, chính quyền số và thực hiện chuyển đổi số của ngành tài nguyên cũng như của tỉnh. Đây là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải hoàn thành trong nhiệm kỳ này” - ông Lê Anh Tú cho biết.
Để đạt được mục tiêu trên, trong những năm qua, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều mô hình như: “Thứ 6 - Ngày trực tuyến” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố đối với 2 dịch vụ công trực tuyến toàn trình là cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc và thủ tục Kê khai, thẩm định tờ khai bảo vệ môi trường đối với nước thải thuộc lĩnh vực chính sách thuế.
Thực hiện công cuộc chuyển đổi số, TP. Vũng Tàu thực hiện mô hình “tuyến phố không dùng tiền mặt”, phường 1 phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên tuyến đường Lý Tự Trọng thực hiện giao dịch, mua bán bằng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Để hoàn thành mục tiêu này, phường tiến hành khảo sát, liên hệ các đối tác thanh toán (ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán...) hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh thực hiện giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Thái Thị Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết, khi triển khai áp dụng tuyến phố không dùng tiền mặt, phường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau khi vận động, thuyết phục, hầu hết các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện và tuyên truyền cho người dân cùng thực hiện./.
"Tuyến đường này không chỉ phục vụ cho công dân của phường 1, mà cho người dân cả thành phố khi có nhu cầu mua sắm tại tuyến đường này. Qua đánh giá, mặc dù chưa đạt 100% người dân áp dụng không dùng tiền mặt, nhưng phường đã thu hoạch được và đã thành công trong việc người dân đồng thuận và chung tay với phường, tuyên truyền cho khách hàng không nên dùng tiền mặt nữa” - bà Thái Thị Hồng Minh cho hay. |