Tạo sức lan tỏa cho cả vùng Đông Nam bộ

Theo cách hiểu phổ biến nhất, khu thương mại tự do là khu vực địa lý nằm trên một quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhưng không áp dụng thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp quản lý thương mại. Nếu sớm triển khai hiệu quả, giải pháp này sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu không những tận dụng hiệu quả các tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh mới, còn tạo sức lan tỏa cho cả vùng Đông Nam bộ.

TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện CIEM chia sẻ thông tin về mô hình khu thương mại tự do. Ảnh Đỗ Doãn
TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM chia sẻ thông tin về mô hình khu thương mại tự do. Ảnh: Đỗ Doãn

Đó là nhận định của TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại diễn đàn Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại địa phương.

Phân tích rõ hơn về những lợi ích này, bà Minh cho biết, hàng hóa của các nước và vùng lãnh thổ dù có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam hay không, đều có thể được chuyển đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công tại khu thương mại tự do của Bà Rịa - Vũng Tàu mà không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Sau đó, sản phẩm có thể có lựa chọn xuất khẩu sang một nước khác, hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa từ khu thương mại tự do, doanh nghiệp sẽ tránh, hoặc giảm thiểu được các chi phí (thời gian, tài chính, nhân lực) liên quan đến thực hiện các thủ tục nhập khẩu, tái xuất, nộp thuế, hoàn thuế… Đặt trong bối cảnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang là một trong những trung tâm hàng đầu về thu hút FDI và logistics của cả nước, việc hình thành và phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp tăng thêm sức hấp dẫn của tỉnh, và cả vùng Đông Nam Bộ, đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu tư duy và tổ chức hợp lý hướng đến phát triển bền vững, khu thương mại tự do ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thể trở thành địa bàn thử nghiệm các mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn với xử lý, chế biến các đầu vào từ nhập khẩu mà trước đây thường coi là phế phẩm, phụ phẩm… Việc nhập khẩu các mặt hàng này để sản xuất gia công theo cách tiếp cận truyền thống thường chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định phi thuế quan, kéo theo đó là tổn phí về thời gian, tài chính, nhân lực… cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khu thương mại tự do ở Bà Rịa-Vũng Tàu có thể là nơi thử nghiệm vận hành các sáng kiến, dự án chuyển đổi số gắn với hải quan nói riêng và quản lý hoạt động thương mại nói chung. Một nội dung quan trọng mà Việt Nam đang nghiên cứu trong thời gian gần đây là thúc đẩy thương mại không giấy tờ, trong đó có thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tránh được những rủi ro thiếu nhất quán về phân loại hàng hóa, tránh được vi phạm về thuế.

‘‘Trong hợp tác với Ủy ban Kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), chúng tôi đã có những đánh giá về mức độ sẵn sàng của Việt Nam cả về pháp lý và kỹ thuật cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới. Nếu mạnh dạn triển khai theo hướng này, tỉnh cũng có thể có cơ hội tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác’’ - bà Minh nói.

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh Đỗ Doãn
Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Đỗ Doãn

Kiến nghị giải pháp phát triển khu thương mại tự do, tạo sức đột phá

Với những lợi thế trên, bà Minh kiến nghị 4 giải pháp phát triển khu thương mại tự do để trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thứ nhất, cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh, phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng và định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ (trong đó có dịch vụ logistics) ở quy mô vùng và liên vùng. Chính quyền tỉnh cần đặc biệt trao đổi, lắng nghe ý kiến của cộng đồng nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, cần rà soát các chính sách kinh tế-thương mại và các chính sách liên quan, trong đó có cả các chính sách phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tiện ích (tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, y tế…) phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong khu thương mại tự do. Trên cơ sở đó, xác định các chính sách cần thực hiện trong thẩm quyền của tỉnh, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện các cơ chế liên quan (kể cả cơ chế đặc thù, trong trường hợp cần thiết) để vận hành kịp thời và hiệu quả khu thương mại tự do.

Thứ ba, nghiên cứu, kiến nghị thành lập mô hình tổ chức, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, gắn với tư duy và phương thức quản trị hiện đại, minh bạch, có đo lường kết quả rõ ràng (gắn với tư duy liên kết vùng) đối với hoạt động của khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật để chuẩn bị cho việc vận hành khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. “Trong quá trình này, tỉnh có thể trao đổi với các bộ, ngành liên quan để kiến nghị với các nhà tài trợ, các đối tác thành viên hiệp định thương mại tự do để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn’’ - bà Minh khuyến nghị.

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định: "Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics... Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biến tại khu vực Cái Mép Hạ... Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế...".