Cảng biển Cái Mép - Thị Vải đã và đang được đầu tư mạnh mẽ. Ảnh: CTV |
Thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển logistics
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”, do Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức diễn ra đầu tháng 12/2024, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp thống nhất quan điểm việc thành lập khu thương mại tư do (FTZ) sẽ là một mũi tên đạt được nhiều mục đích.
Gần 1.200 dự án đầu tư tổng vốn 50 tỷ USD đang được triển khaiTỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước hình thành phát triển 4 ngành công nghiệp mới. Bao gồm: Hóa dầu, công nghiệp chế tạo thiết bị điện gió, trung tâm dầu khí hóa lỏng, công nghiệp sinh học. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút gần 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 50 tỷ USD. Trong đó, có hơn 490 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư khoảng 34 tỷ USD. Tỉnh có nguồn nhân lực trẻ, có năng suất lao động cao gấp 2,8 lần bình quân chung cả nước. |
Theo ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, khu thương mại tự do đã trở thành một mô hình hiệu quả để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển logistics. Các khu thương mại tự do cung cấp cơ chế thông thoáng, giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách miễn thuế, giảm thuế và giảm rào cản thủ tục hành chính. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam - một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và đang mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác lớn.
Ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định, lợi ích của FTZ đối với phát triển kinh tế đã được chứng minh từ thực tiễn thế giới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có FTZ nào chính thức được hình thành.
Hiện nay, ngoài mô hình khu thương mại tự do tại Đà Nẵng được Quốc hội phê chuẩn thực hiện theo cơ chế thí điểm, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định thành lập, mô hình quản lý, cơ chế hoạt động, phân cấp quản lý trong FTZ... để có thể áp dụng thống nhất trên cả nước. Do đó, các đề xuất giải pháp, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khu thương mại tự do tại Việt Nam, tạo động lực đột phá mới thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần sớm hình thành khu thương mại tự do, cảng trung chuyển quốc tế, xây dựng đội tàu container, đội tàu bay chuyên dụng vận tải hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng các doanh nghiệp logistics mạnh của Việt Nam; phát triển các mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực logistics; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, có chính sách khuyến khích người nước ngoài phát triển logistics tại Việt Nam như chính sách thuế, thị thực…
Ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink) cho rằng, sự kết hợp giữa cảng biển cửa ngõ và sân bay quốc tế là cơ hội tuyệt vời để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế quan trọng trong khu vực. Để tận dụng cơ hội, phát huy được hết tiềm năng, tỉnh cần một khu thương mại tự do đúng nghĩa. “Khu thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu nếu được triển khai, sẽ thu hút nguồn hàng về cho các cảng trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa hoạt động dịch vụ logistics; Tăng cường năng lực trung chuyển và logistics quốc tế, thúc đẩy nhanh hơn cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành trung tâm trung chuyển, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực; Hợp lực và kết nối với sân bay Long Thành sẽ tạo cơ hội hình thành Sea-Air Hub” - ông Bình nhấn mạnh.
Tạo động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ
Xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu. Ảnh: CTV |
Đề cập đến tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, ông Phạm Viết Thanh cho hay, khu thương mại tự do mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vùng Đông Nam bộ và các địa phương quan tâm phát triển khu thương mại tự do trong cả nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân hiền hòa, mến khách. Trong những năm gần đây được Trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đang được hoàn thiện, cùng với việc phát triển Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa Cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới, gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình “cảng xanh, logistics xanh” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Do đó, việc hình thành FTZ gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên trục hành lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, kinh tế của tỉnh luôn giữ vững đà tăng trưởng trong nhiều năm liền. Riêng năm 2024, ước GRDP của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng trên 10,52% (không bao gồm khai thác dầu khí), GRDP bình quân đầu người đạt hơn 9.000 USD/người/năm. Kế hoạch tốc độ tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo dự kiến tăng trên 10%/năm. Với sự cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành điểm đến đầy tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tầm cỡ thế giới đến đầu tư, kinh doanh. Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư quy đổi khoảng 50 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 34 tỷ USD...
Làm rõ hơn tiềm năng lợi thế để xây dựng và phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Phạm Quang Nhật - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, nằm ở 5 yếu tố, gồm vị trí địa lý, hạ tầng cảng biển container, hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, hậu phương công nghiệp vùng Đông Nam Bộ và sự năng động của Chính phủ, chính quyền địa phương. Về ngoại lực, có 3 yếu tố chính là xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư và dòng thương mại toàn cầu, xu hướng gia tăng kích thước tàu, gia tăng nhu cầu vận tải hàng hóa đường biển.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn rất nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư. Vùng đất sau cảng tại khu vực Cái Mép Hạ cho phép phát triển hơn 1.000 ha. Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 16.052 ha, đất công nghiệp phân bổ chỉ tiêu sử dụng là 10.755 ha./.