Đào vàng công nghệ 4.0

Phải khẳng định rằng với nền tảng công nghệ như hiện nay, loài người đã phát triển một hệ thống internet vô cùng rộng lớn và ngày càng hiện đại. Nó cho phép thực hiện các giao dịch ngay lập tức trên phạm vi toàn cầu. Vậy để có phương tiện thanh toán trên không gian mạng, người ta tạo ra tiền ảo, tài sản ảo, tài sản mã hóa như thế nào?

Bài 2: Cách thức tạo ra tiền ảo, tài sản mã hóa
Tiền ảo sau khi được tạo ra có thể được giao dịch ngay trên mạng internet.

Thông thường, có hai cách chính để tạo ra tài sản mã hóa. Cách chủ động đó là “đào” như đối với Bitcoin, Ethereum, Chia... Phương pháp này hiểu nôm na giống như phương thức đào vàng hiện nay, nhưng hình thức “đào” là sử dụng hệ thống máy tính. Người tham gia mạng lưới chủ động tạo ra các đơn vị tài sản mã hóa mới một cách liên tục và thường xuyên thông qua một quy trình định sẵn.

Để xác nhận giao dịch và gắn kết vào chuỗi Blockchain các máy đào chuyên dụng này sẽ phải giải những bài toán mật mã hết sức phức tạp do hệ thống tạo ra. Khi bài toán được giải, Bitcoin mới được tạo ra và có thể viết tiếp về các giao dịch của Bitcoin hoặc các đồng tiền ảo khác trên Blockchain. Chính vì nhờ thuật toán như vậy và cơn sốt tiền ảo trong thời gian qua nên đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư hệ thống máy “đào” chuyên dụng có dung lượng tới hàng triệu Petabyte để đào tiền ảo. Và tất nhiên, việc sử dụng hệ thống “trâu cày” tiền ảo cũng tiêu tốn nguồn điện năng khổng lồ, hoạt động khai thác tiền điện tử như đào Bitcoin đã tạo ra lượng khí thải carbon ước tính 36,95 megaton CO2 hàng năm.

Phương pháp thứ hai là toàn bộ số lượng tài sản mã hóa sẽ được tạo ra trong một lần duy nhất. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng đối với tài sản mã hóa dạng chứng khoán (tokem chứng khoán) hoặc token tiện ích. Các token chứng khoán được phát hành nhằm mục đích huy động vốn. Tùy theo đơn vị phát hành mà người sử hữu các token này có thể được các dịch vụ chiết khấu đối với các dịch vụ cũng như được hưởng thu nhập từ lợi nhuận của nhà phát hành. Trong một số trường hợp, tài sản mã hóa được tạo ra thông qua cách kết hợp hai phương thức nêu trên; theo đó, chủ thể tạo ra tài sản mã hóa sẽ khai thác sẵn và phát hành một lượng nhất định tài sản mã hóa, số lượng tài sản mã hóa còn lại sẽ được khai thác thông qua quá trình “đào” tài sản mã hóa sau khi mạng lưới/ứng dụng đi vào hoạt động.

Có thể mua bán trực tiếp hoặc thông qua sàn giao dịch

Tài sản mã hóa, tiền ảo sau khi được tạo ra có thể được giao dịch ngay trên mạng internet. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ đồng tiền mã hóa này sang đồng tiền mã hóa khác có thể thực hiện được khi cả hai đồng tiền mã hóa này đều nằm trên cùng một hệ thống thuật toán chấp nhận lẫn nhau. Dữ liệu về giao dịch thường sẽ được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ của bên cung cấp nền tảng giao dịch. Các nền tảng giao dịch/sàn giao dịch tập trung hoạt động tương tự các sở giao dịch chứng khoán trên thế giới. Theo đó, các nền tảng này sẽ đóng vai trò trung gian trong giao dịch, thực hiện việc khớp lệnh mua và lệnh bán tài sản mã hóa, bên mua và bên bán không cần biết đối tác của mình là ai.

Các sàn giao dịch tập trung được chia thành hai loại là sàn giao dịch giữa tài sản mã hóa và tiền pháp định và sàn giao dịch giữa các tài sản mã hóa với nhau. Bên cạnh các sàn giao dịch tập trung, các bên cũng có thể tiến hành giao dịch trực tiếp với nhau thông qua các nền tảng giao dịch phi tập trung với mức độ ẩn danh cao hơn, nhưng các nền tảng giao dịch này cũng thường có tính thanh khoản thấp hơn và có thể đòi hỏi thao tác phức tạp hơn.

“Mảnh đất màu mỡ” đào tiền điện tử

Trung Quốc được coi là “mảnh đất màu mỡ” để đào tiền điện tử do chi phí điện thấp ở một số khu vực. Điều đó đang khiến quốc gia này đứng trước nguy cơ gặp khủng hoảng năng lượng và cản trở cố gắng trung hòa carbon vào năm 2050, vì thế chính quyền Trung Quốc gần đây đã ra tay truy quét hết sức gắt gao các “mỏ đào tiền ảo” đặc biệt là các “mỏ” được đặt ở khu vực Nội Mông.