Bài 2: Xây dựng văn hóa và con người phát triển toàn diện Bài 1: Con người là nguồn lực cho sự phát triển bền vững

Sức mạnh của kỷ luật và đồng tâm

Người Quảng Ninh nổi tiếng với tính cách cần cù, chịu khó và sáng tạo. Trong những ngày bão lũ, tinh thần đoàn kết của cộng đồng đã được thể hiện một cách rõ nét. Các nhóm tình nguyện, đặc biệt là thanh niên, đã cùng nhau hình thành những đội cứu trợ, hỗ trợ giúp đỡ các hộ gia đình gặp khó khăn. Họ không ngại gian khổ, ra khỏi nhà lúc thiên tai hoành hành, mang theo lương thực, thuốc men và sự động viên tới những nơi bị ảnh hưởng nặng nề.

Một trong những nét đẹp văn hóa nổi bật trong thời điểm này chính là tinh thần tương thân tương ái của người dân. Các phong trào “lá lành đùm lá rách”, “tương trợ lẫn nhau” không chỉ là những câu nói, mà đã trở thành lối sống và hành động cụ thể ở Quảng Ninh. Đặc biệt, người dân thành phố Hạ Long đã tận tay san sẻ khó khăn với các vùng biển, đảo, cùng nhau cung cấp hàng hóa thiết yếu, giúp đỡ những người dân đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất.

Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú tại các địa phương trong toàn tỉnh đã dành những phòng ở với đầy đủ tiện nghi cho những hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, trên mạng xã hội, không chỉ có những lời cầu chúc, ước nguyện, động viên cùng nhau cố gắng khắc phục sau cơn bão số 3 mà rất nhiều sự kêu gọi giúp đỡ thiết thực cũng đã được lan toả rộng rãi, kịp thời hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn.

Bài 3: Truyền thống văn hóa tạo động lực để Quảng Ninh vượt qua khó khăn
Hàng trăm suất cơm miễn phí đã được gửi đến cho người dân và các lực lượng chức năng đang ngày đêm khắc phục hậu quả của bão lũ tại Quảng Ninh.

Mặc dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 3, cùng với việc nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của các tỉnh, thành phố trong cả nước, thì Quảng Ninh với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã sẵn sàng nhường 100 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả mưa bão để dành cho các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn hơn, với mong muốn chung sức sưởi ấm trái tim của đồng bào.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đây cũng là trách nhiệm của tỉnh chia sẻ khó khăn với ngân sách trung ương, chia sẻ với các địa phương khác khó khăn hơn Quảng Ninh. Tỉnh có thể tự cân đối được ngân sách thì cũng phải có trách nhiệm với các tỉnh khác vì hoàn lưu sau bão gây mưa, sạt lở đất cũng làm cho nhiều địa phương thiệt hại nặng nề.

Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định: Với tinh thần vượt lên sau bão, hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố, toàn thể người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay khắc phục thiệt hại tại gia đình, trụ sở cơ quan, đơn vị và tổ dân, khu phố để nhân thêm tình yêu, xây dựng thành phố Hạ Long.

Không chỉ các cấp ủy đảng và chính quyền, mà mỗi người dân Quảng Ninh cũng đang nỗ lực vượt qua khó khăn và khắc phục hậu quả nghiêm trọng từ cơn bão theo cách riêng của mình.

Nhiều gia đình mặc dù chịu thiệt hại như bay mái nhà, vườn cây ăn quả bị tàn phá, tường đổ và hư hỏng xe ô tô, xe máy... nhưng vẫn không thống kê thiệt hại để gửi lên các cấp quản lý. Họ cảm thấy rằng bản thân và gia đình có thể tự lo liệu và không muốn trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhiều gia đình mất đi nguồn sống nhưng không chờ đợi sự hỗ trợ, mà lại sử dụng tài sản còn lại, vay mượn từ người thân, hoặc vay ngân hàng để bắt đầu lại từ đầu.

Hồi sinh vùng mỏ bằng chính sức mạnh nội tại

Sau khi cơn bão qua đi, nhiệm vụ khôi phục kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Văn hóa truyền thống của người Quảng Ninh được phát huy tối đa để khích lệ tinh thần lao động sản xuất. Sau cơn bão, tỉnh đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động phục hồi và xây dựng lại các điểm du lịch, từ Vịnh Hạ Long kỳ vĩ cho đến các khu di tích lịch sử, văn hóa. Nhân dân địa phương đã phối hợp với chính quyền để bảo đảm rằng tất cả các điểm đến luôn sẵn sàng phục vụ du khách, đồng thời mang lại một trải nghiệm văn hóa độc đáo và phong phú.

Hơn nữa, trong khôi phục kinh tế, ý thức bảo vệ môi trường cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa ứng xử của người dân Quảng Ninh. Họ đã nhận thức sâu sắc rằng, việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà là của từng cá nhân trong cộng đồng. Các hoạt động như dọn dẹp bãi biển, trồng cây xanh và tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được tổ chức mạnh mẽ.

Bài 3: Truyền thống văn hóa tạo động lực để Quảng Ninh vượt qua khó khăn
Du lịch Quảng Ninh đang dần "hồi sinh" sau bão. Ảnh: Tiến Dũng.

Đặc biệt, với mục tiêu cấp bách nhằm tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế…, Quảng Ninh bắt tay vào việc xây dựng đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau bão số 3.

Theo đó, đề án sẽ hướng đến những nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài. Thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân bị hư hại; sử dụng nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư tái thiết, xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh tế, thu xếp việc làm và ổn định đời sống nhân dân.

Cơn bão số 3 (Yagi) tuy đã để lại những thiệt hại lớn, nhưng cũng chính là cơ hội để người dân Quảng Ninh thể hiện sức mạnh văn hóa và tinh thần vượt khó. Qua những gì đã xảy ra, người dân nơi đây đã một lần nữa khẳng định rằng, với tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết và sáng tạo, họ có thể vượt qua mọi cơn bão, không chỉ trong cuộc sống mà còn trong hành trình phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.

Quảng Ninh đã và sẽ luôn tự hào với những giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ sau.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Bằng ý chí tự lực, tự cường, trách nhiệm với quê hương, việc dọn dẹp sau bão đã được nhân dân chủ động từ rất sớm, chỉ 2 ngày bão đi qua, hầu hết các tuyến phố, khu dân cư đều đã rất gọn gàng trở lại. Việc của chính quyền là khắc phục ngay những khó khăn, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ để tái khởi động lại sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nắm chắc tình hình để tìm ra động lực, nguồn lực mới nhằm vận dụng, sáng tạo trong tổ chức thực hiện là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng".