TBTCVN: Kính thưa Thứ trưởng, là lãnh đạo Bộ Tài chính trực tiếp phụ trách công tác báo chí, xuất bản của ngành Tài chính, xin Thứ trưởng một vài nhận xét, đánh giá về kết quả đạt được trong công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí ngành Tài chính thời gian qua?

Báo chí ngành Tài chính tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu thế chuyển đổi số
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Vào nửa cuối năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho nhiều hoạt động của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân bị ngưng trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các cơ quan báo chí.

Thực hiện giãn cách theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ quý II/2021, công tác thông tin tuyên truyền của ngành Tài chính cũng gặp không ít khó khăn. Nhờ sự nỗ lực và chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan báo chí ngành Tài chính nên công tác thông tin tuyên truyền của Bộ Tài chính đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thắng lợi chung của toàn ngành trong năm 2021.

Tính từ thời điểm giữa năm 2021 đến nay, báo chí ngành Tài chính đã phản ánh kịp thời và toàn diện những kết quả nổi bật của ngành. Thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình địa chính trị thế giới xuất hiện những căng thẳng mới. Trong nước, giá xăng và các nguyên liệu đầu vào liên tục đạt đỉnh mới khiến cho nền kinh tế trong nước cũng như công tác điều hành giá xăng dầu, thuế xăng dầu liên tục “nóng”, thị trường chứng khoán có nhiều biến động...

Trong bối cảnh đó, báo chí ngành Tài chính luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Tài chính tuyên truyền về công tác quản lý giá cả nhằm bình ổn thị trường; liên tục cập nhật thông tin về hoạt động thanh tra giám sát thị trường chứng khoán; các vụ việc liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp…, nhờ thế, thị trường chứng khoán được ổn định, tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Với sự linh hoạt chủ động, báo chí ngành Tài chính đã tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả, lan tỏa những thông tin hết sức ý nghĩa, tích cực đến với bạn đọc về công tác hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; những nỗ lực của ngành Tài chính nhằm đảm bảo ngân sách cho các nhiệm vụ theo kế hoạch dự toán và phòng chống dịch.

Thời báo Tài chính Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm tốt vai trò, vị thế là cơ quan báo chí chủ lực của ngành Tài chính. Ảnh: Thu Dung
Thời báo Tài chính Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo, làm tốt vai trò, vị thế là cơ quan báo chí chủ lực của ngành Tài chính. Ảnh: Thu Dung

Có thể nói, trong khó khăn bộn bề, nhưng các cơ quan báo chí nội ngành, trong đó có TBTCVN đã bám sát các vấn đề nóng cần thông tin tuyên truyền của ngành với chất lượng ngày càng tăng lên; sản phẩm tuyên truyền đa dạng hơn, từ báo viết đến báo điện tử và các bản tin truyền hình giúp thông tin lan tỏa tốt hơn, nhanh hơn. Báo chí nội ngành đã làm tốt vai trò là cầu nối, đưa thông tin của ngành Tài chính đến với đông đảo bạn đọc và xã hội.

Với những kết quả đạt được nêu trên, tôi đặc biệt đánh giá cao và biểu dương các cơ quan báo chí ngành Tài chính đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian qua, đóng góp vào thành tích chung của ngành Tài chính.

TBTCVN: Là cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính, TBTCVN trong năm qua đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức các ấn phẩm và tổ chức nhiều hoạt động sự kiện ngoài mặt báo. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những nỗ lực này của TBTCVN?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Cùng với nỗ lực của toàn ngành Tài chính, với vai trò và vị thế là cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính, TBTCVN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền. Tôi cho rằng, càng khó khăn, càng thách thức, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm của người làm báo nói chung và báo chí của ngành Tài chính nói riêng càng được thể hiện rõ nét.

Năm 2021, TBTCVN đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trình bày. Hình thức trình bày báo tiếp tục đổi mới theo hướng báo chí chuyên đề, báo chí dữ liệu gắn với đồ họa. Nội dung thông tin vừa bám sát, chuyên sâu các lĩnh vực của ngành, vừa mở rộng gắn với hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao thương hiệu của TBTCVN. Báo điện tử phiên bản mới được vận hành với sự cải tiến, thay đổi đột phá về giao diện và hệ thống quản trị. Đặc biệt, trên giao diện mới của báo điện tử đã có các hình thức tuyên truyền mới theo phong cách báo chí hiện đại như: infographic, longform, podcasts, bản tin video... tạo sự chú ý, ấn tượng.

Cùng với 2 ấn phẩm nêu trên, Bản tin truyền hình Tài chính được cải tiến, đổi mới cơ bản về nội dung và hình thức với format và hình hiệu mới hiện đại hơn, nội dung được bố cục sắp xếp theo hướng tinh gọn về thời lượng, bố cục khoa học về nội dung, thu hút được bạn đọc. TBTCVN đã triển khai thực hiện Bản tin truyền hình chạy chữ phát tại Bộ Tài chính và phát tại một số đơn vị, đã góp phần tích cực tạo thêm kênh truyền thông hiệu quả, sinh động trong công tác tuyên truyền của bộ.

Đặc biệt, tính từ nửa cuối năm 2021 đến nay, TBTCVN đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo triển khai nhiều diễn đàn, tọa đàm trực tuyến, trực tiếp với chủ đề là các vấn đề bạn đọc quan tâm, như: Diễn đàn Thuế - Hải quan; Diễn đàn Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Thông qua các diễn đàn, TBTCVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin - tuyên truyền trên một kênh truyền thông mới chuyên biệt, hiệu quả, tạo được tiếng vang, giúp nâng cao thương hiệu và uy tín của TBTCVN.

Qua theo dõi, tôi thấy rằng, nhiều thông tin trên báo in, báo điện tử, trên bản tin truyền hình của TBTCVN đã trở thành nguồn tin đầu vào cho các cơ quan báo chí khác khai thác, sử dụng làm tư liệu trong phản ánh các hoạt động về lĩnh vực tài chính. Với sự chuyên nghiệp, chính thống, kịp thời, toàn diện, có thể khẳng định TBTCVN là nơi “giữ nhịp” thông tin về ngành Tài chính.

TBTCVN: Thưa Thứ trưởng, mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong công tác tuyên truyền, nhưng đâu là các vấn đề được cho là tồn tại, hạn chế mà báo chí ngành Tài chính cần tập trung khắc phục để đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Tài chính?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Thời gian qua, các cơ quan báo chí, tuyên truyền, xuất bản ngành Tài chính luôn là lực lượng chủ công, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, trở thành công cụ sắc bén giúp Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và ngành Tài chính hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó. Như Bác Hồ từng nói: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”.

Nhìn lại tồn tại, hạn chế cũng là cách báo chí ngành Tài chính vượt lên chính mình, đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao hơn của độc giả cũng như yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền ngành Tài chính.

Phóng viên tác nghiệp tại lễ khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2022 sáng 13/4/2022. Ảnh: Đuw
Phóng viên tác nghiệp tại lễ khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2022 sáng 13/4/2022. Ảnh: Đức Minh

Làm báo chí chuyên ngành về Tài chính, bên cạnh đòi hỏi có sự hiểu biết, am tường về ngành, thì người làm báo phải biết truyền tải những thông tin, những con số khô cứng thành những con số và thông tin “biết nói”, để bạn đọc, dư luận thấu hiểu, đồng tình với những quyết sách của ngành. Trên thực tế, rất cần thông tin 2 chiều, nghĩa là báo chí ngành Tài chính vừa tuyên truyền, nhưng cũng phải làm tốt vai trò thông tin phản biện, các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đóng góp vào xây dựng chính sách, để chính sách của ngành Tài chính khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống, hạn chế các vướng mắc phát sinh.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, báo chí ngành Tài chính cần tiếp tục gắn bó chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, tiếp tục chủ động, kịp thời tiếp cận, tìm hiểu thực tế và khai thác thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tài chính theo quy định. Từ đó, các cơ quan báo ngành tuyên truyền, nhất là các vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, tránh những cách hiểu sai lệch do không được cung cấp đủ thông tin.

Các cơ quan báo chí ngành chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, độ “nhạy cảm” với thông tin của ngành để có định hướng tuyên truyền sát sao. Đồng thời, các cơ quan báo ngành cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ báo chí, nghiệp vụ tài chính; tăng cường đào tạo cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại, cũng như nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền của ngành Tài chính.

Các đơn vị chuyên môn và các cơ quan báo chí ngành Tài chính cần nỗ lực đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trên tất cả các lĩnh vực, như: lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính ngân hàng, nợ công, thu - chi ngân sách, đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý huy động nguồn lực và nợ công, hỗ trợ hiệu quả mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TBTCVN: Lãnh đạo Bộ Tài chính rất quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, thưa Thứ trưởng, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí ngành Tài chính cần phải làm gì để đáp ứng các yêu cầu đề ra, đóng góp vào thành công chung của ngành?

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Báo chí ngành Tài chính phải không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo nhằm tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt hoạt động, phục vụ ngày càng đắc lực cho công tác thông tin tuyên truyền.

Thời báo Tài chính Việt Nam thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo

Với vai trò và vị thế là cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính, TBTCVN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền... TBTCVN đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trình bày...

Nội dung thông tin vừa bám sát, chuyên sâu các lĩnh vực của ngành, vừa mở rộng gắn với hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao thương hiệu của TBTCVN. Báo điện tử phiên bản mới được vận hành với sự cải tiến, thay đổi đột phá về giao diện và hệ thống quản trị...

TBTCVN đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo triển khai nhiều diễn đàn, tọa đàm trực tuyến, trực tiếp với chủ đề là các vấn đề bạn đọc quan tâm, như: Diễn đàn Thuế - Hải quan; Diễn đàn Chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Với sự chuyên nghiệp, chính thống, kịp thời, toàn diện, có thể khẳng định TBTCVN là nơi “giữ nhịp” thông tin về ngành Tài chính.

Các cơ quan báo chí ngành cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hình thức tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp chủ động sáng tạo để nâng cao chất lượng thu hút bạn đọc, như: tăng cường sản phẩm đa phương tiện, chuyển giao diện mới trên điện thoại di động, cập nhật các tính năng mới hiện đại, thuận tiện hơn với nhiều chuyên mục mới, nội dung phong phú hơn, tăng cường sử dụng các thể loại phương tiện truyền thông hiện đại, nhiều hình ảnh sinh động, infographics, longform; các loại tin, bài ngắn... nhằm thu hút bạn đọc cũng như cải thiện các chỉ số xếp hạng. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan báo chí ngành Tài chính phải hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, của ngành, của đơn vị.

Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí, truyền thông. Do đó, báo chí ngành Tài chính cần phải bắt nhịp xu thế này. Bản chất của chuyển đổi số là sáng tạo. Để đáp ứng với sự thay đổi của toàn ngành Tài chính và chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông, các cơ quan báo chí trong ngành cần phải có chương trình hành động, đề ra những giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động.

Các cơ quan báo chí ngành phải coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, bản lĩnh đi liền nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số. Nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng nhất đảm bảo cho thành công cho quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí.

Để thực hiện tốt những việc nêu trên, các cơ quan báo chí ngành Tài chính cần phải nhanh chóng nghiên cứu, đổi mới toàn diện mọi mặt hoạt động từ khâu tổ chức bộ máy đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nên sự chuyển đổi mạnh mẽ, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu và chất lượng hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đòi hỏi ngày càng cao.

Báo chí ngành Tài chính phải giữ vững bản sắc tài chính và các vấn đề có tính chuyên ngành, đồng thời tiếp tục cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức các ấn phẩm theo hướng đáp ứng được nhiều đối tượng độc giả,…, để thực sự trở thành một công cụ thông tin tuyên truyền hiệu quả, một cầu nối vững chắc giữa lý luận và thực tiễn, giữa ngành Tài chính và xã hội, xứng đáng với vị thế cũng như niềm tin, sự gửi gắm của cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính.

Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi tới những người làm báo trên cả nước nói chung và báo chí ngành Tài chính nói riêng lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công, có nhiều tác phẩm báo chí có giá trị cao, tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài chính nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!