“Bắt mạch” thị trường tiền tệ sau 2 tuần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành 3 lần để hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: TL

Kỳ vọng từ lãi suất giảm

Đợt giảm lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra vào cuối tháng 5/2023. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ mức

6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

NHNN cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ; qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp để cố gắng giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ; trong đó khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội cho biết, tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến cuối tháng 5 đạt khoảng 6,5%. “Kỳ vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn, chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong các tháng còn lại, dự kiến hết tháng 6 tốc độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%” - ông Ánh nói.

Cần những giải pháp đồng bộ khác

Một số tín hiệu kinh tế đến cuối tháng 5 vẫn cho thấy còn nhiều khó khăn. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 có thể sẽ chậm lại. Lạm phát có dấu hiệu qua đỉnh, tăng chậm lại trong 5 tháng đầu năm 2023, do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản giảm từ 5,21% tháng 1 xuống 4,83% tháng 5.

Tín dụng vẫn tăng chậm

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện 3 đợt giảm lãi suất điều hành nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn khá chậm. 5 tháng đầu năm 2023 (tương ứng gần 1/2 quãng đường của năm 2023), tín dụng mới chỉ tăng khoảng 3%, thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng 14,16% của năm 2022 và mục tiêu tăng trưởng khoảng 14 – 15% năm 2023.

Theo NHNN, ngoài việc giảm lãi suất, NHNN vừa qua cũng có những chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.

Đánh giá về tình hình hiện tại, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong (TP Bank) cho biết, hiện thu nhập của doanh nghiệp đang giảm thấp, chi phí tài chính cao quá cũng là bước cản trở đối với các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đã cố gắng tiết kiệm vốn và giảm chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất, nhưng yếu tố lớn nhất trong cấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Theo đó, ông Hưng cho rằng, các ngân hàng phải giảm được chi phí vốn thì mới có cơ hội giảm đáng kể hơn lãi suất cho vay.

“Khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng” - ông Hưng đưa ra nhận định.

Trong các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, yêu cầu đặt ra với các ngân hàng cũng là cần phải cố gắng tiết giảm tối đa chi phí, từ đó giảm dần lãi suất cho vay xuống. Với những yêu cầu này, giới ngân hàng cũng đặt kỳ vọng từ hiệu quả của chuyển đổi số và gia tăng các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước những yêu cầu này, NHNN cho biết cũng đã ban hành các chính sách để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, như: thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC); thông tư hướng dẫn phát hành thẻ eKYC; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Trong quý I/2023, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã có một số tăng trưởng nhất định với số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị so với cùng kỳ; số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị.​

Đến cuối tháng 3/2023, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt./.