Báo cáo của MBS cho thấy, lãi suất tiền gửi 12 tháng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục từ tháng 4/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện 4 đợt cắt giảm lãi suất chính sách.

Các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động giảm từ 200 đến 330 điểm cơ bản tính đến quý II/2024, dẫn đến sự giảm đáng kể của chi phí vốn trong năm nay. Mặc dù một số ngân hàng cỡ vừa đã bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 4/2024, mức lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức thấp.

Các chuyên gia từ MSB dự phóng, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng lớn có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản, đạt từ 5,2% đến 5,5%/năm vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, với lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và nhu cầu tín dụng yếu, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, dẫn đến sự giảm sút của NIM trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo báo cáo, NIM của các ngân hàng niêm yết trong nửa đầu năm 2024 đã giảm 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước và giảm 7 điểm cơ bản so với năm 2023, đạt 3,87%. Bên cạnh đó, chi phí vốn (COF) của các ngân hàng đã giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2024, nhưng mức giảm này vẫn thấp hơn so với sự giảm sút của lợi suất tài sản (EAY).

Các chuyên gia từ MBS dự báo, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024, nhờ vào việc một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất gần đây. Trong khi đó, lãi suất cho vay có khả năng sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ để thu hút khách hàng. Mặc dù mức giảm của COF vẫn nhỏ hơn mức giảm của EAY, điều này dự đoán sẽ dẫn đến sự giảm sút NIM ở phần lớn các ngân hàng trong năm 2024.

Biên lãi ròng ngành ngân hàng dự báo giảm nhẹ trong năm 2024

Tuy nhiên, trong năm 2025, với giả định nhu cầu tín dụng tăng và lãi suất cho vay có xu hướng tăng lên, NIM của các ngân hàng có thể phục hồi, trong khi COF dự kiến sẽ duy trì ổn định.

Dù NIM được kỳ vọng giảm nhẹ trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng vẫn dự đoán sẽ tăng trưởng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm chi phí trích lập cùng với tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) trong nửa cuối năm 2024 so với đầu năm dự kiến sẽ bù đắp cho sự giảm sút từ NIM, duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ổn định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và nhóm ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ.

Nhóm ngân hàng lớn sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng toàn ngành và có khả năng phục hồi NIM mạnh mẽ hơn nhờ vào chính sách giá linh hoạt và lợi thế về chi phí vốn. Đồng thời, sự phục hồi từ các hoạt động thu ngoài lãi của nhóm ngân hàng lớn trong nửa cuối năm 2024 cũng được dự đoán sẽ mạnh mẽ hơn./.