Nhiều bất cập tại các dự án

Bình Định nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc - Nam Việt Nam; đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến đường quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Bình Định còn được xem là cánh cửa xuất khẩu hàng hóa cho cả khu vực Tây Nguyên rộng lớn và vùng tam giác phát triển Lào – Việt Nam – Campuchia.

Tuy nhiên, thời gian qua, mạng lưới hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh vẫn chưa được hoàn thiện, một số tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng với thời gian khá lâu, quy mô nhỏ hẹp đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng và gây mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, các tuyến đường ngang để kết nối các tuyến quốc lộ còn thiếu và chưa đồng bộ gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Lưu Nhất Phong – Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, Ban QLDA giao thông đang được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 27 dự án (trong đó có 14 dự án thi công xây dựng hoàn thành, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng; 13 dự án đang triển khai xây dựng).

Các dự án thi công xây dựng hoàn thành, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng và đã phát huy được hiệu quả đầu tư của dự án như: mở rộng đường vào sân bay Phù Cát (đoạn từ quốc lộ 1 đến cổng sân bay Phù Cát); đường nối từ đường trục khu kinh tế đến khu tâm linh chùa Linh Phong; Đường ven biển (ĐT.639) đoạn Cát Tiến đến Đề Gi; mở rộng đường vào sân bay Phù Cát (đoạn từ Cổng an ninh Trung đoàn 925 đến cảng hàng không Phù Cát); tuyến đường trục Đông – Tây kết nối với tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT.638), đoạn Km137+580 – Km143+787;…

Đối với các dự án đang triển khai thi công xây dựng công trình, Ban QLDA đang tiếp tục phấn đấu thi công hoàn thành trong năm 2024 như: đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; 3 tuyến đường kết nối trên địa bàn các huyện, thị xã An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn; xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; đường kết nối thị trấn An Lão với đường An Hòa đi Ân Hảo Tây.

"Đáng chú ý, chúng tôi đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công công trình các dự án giao thông trọng điểm: đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân; xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ quốc lộ 1D - quốc lộ 19 mới; xây dựng tuyến đường nối từ quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn; tuyến đường tránh ĐT.633, đoạn từ núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ĐT.639), huyện Phù Cát; tuyến đường N5 và D5 kết nối với ranh giới khu đất dự án xây dựng thiết chế công đoàn; đường vành đai khu trung tâm phần mềm và công viên khoa học thuộc khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa và các dự án khác" - ông Phong cho biết.

Bình Định: Tập trung giải quyết bất cập tại các công trình giao thông, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Bình Định đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh Nguyễn Lạc

Ban QLDA cũng đề xuất UBND tỉnh phương án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Phù Cát theo quy hoạch điều chỉnh giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, thực hiện công tác nghiên cứu phương án đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku và 10 dự án ưu tiên thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2023-2025 để triển khai xây dựng trong giai đoạn 2026-2030.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) hầu hết ở các dự án gặp nhiều khó khăn, phức tạp, phát sinh làm chậm kế hoạch bàn giao mặt bằng để tổ chức thi công.

Ông Lưu Nhất Phong – Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Nhất Phong, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng đồng loạt nhiều công trình giao thông trọng điểm, bao gồm các công trình do Bộ Giao thông vận tải đầu tư. Vì vậy, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tương đối lớn. Trong khi đó các điểm mỏ khai thác, nguồn cung còn khá hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát đá và cấp phối đá dăm các loại đang thiếu, chưa đảm bảo về nguồn cung ứng.

Thêm nữa, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý đầu tư xây dựng (ĐTXD) thường xuyên thay đổi, bổ sung cũng gây không ít khó khăn cho việc triển khai thực hiện dự án, quản lý ĐTXD công trình.

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết không thuận lợi vào các tháng cuối năm đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng đối với từng dự án

Ông Lưu Nhất Phong chia sẻ, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, ban sẽ khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý từ bước lập chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư tới thiết kế bản vẽ thi công để sớm khởi công các gói thầu xây lắp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án. Trong quá trình triển khai xây dựng, Ban QLDA sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các bên liên quan để đẩy nhanh công tác đền bù GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm giao mặt bằng sạch phục vụ thi công xây dựng.

Bình Định: Tập trung giải quyết bất cập tại các công trình giao thông, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Ban QLDA xác định phải phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2024. Ảnh Nguyễn Lạc

"Chúng tôi xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng đối với từng dự án do Ban làm chủ đầu tư, phân công cụ thể lãnh đạo Ban, lãnh đạo phòng, nhân viên theo dõi từng công trình để tăng cường trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng dự án. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện việc giải ngân vốn của từng dự án đảm bảo yêu cầu về tiến độ giải ngân với các mốc thời gian theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh" - ông Phong nói.

Ông Phong cho biết thêm, Ban QLDA sẽ lập tiến độ và kế hoạch thi công hàng tháng, hàng tuần các dự án để theo dõi, đôn đốc và chỉ đạo nhà thầu thi công triển khai thực hiện. Hàng tuần, tổ chức họp giao ban tại các công trình để đánh giá tiến độ, khối lượng, chất lượng các hạng mục công trình, trường hợp tiến độ không đảm bảo theo kế hoạch, kịp thời có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.

Tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu thi công phải tập trung đầy đủ nhân lực, thiết bị theo đúng hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ điều chỉnh nhân lực, thiết bị được cơ quan thẩm quyền cho phép theo quy định để đẩy nhanh công tác thi công xây dựng đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án đồng thời yêu cầu nhà thầu lập hồ sơ thanh toán để thực hiện giải ngân ngay khi có khối lượng.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án do Ban QLDA giao thông tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công; chủ động phối hợp với các đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Đồng thời, Ban QLDA giao thông sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, chấp hành phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, sớm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng thi công.