Giảm hơn 7.300 tỷ đồng lệ phí trước bạ năm 2020

Theo Bộ Tài chính, từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng lây lan ra các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như làm gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu mua ô tô suy giảm.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020. Theo đó, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP.

Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Ảnh: TL.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Ảnh: TL.

Việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đã mang lại nhiều tác động tích cực. Đối với người tiêu dùng, việc giảm lệ phí trước bạ đã góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu xe ô tô, làm tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người dân, đặc biệt là các đối tượng có thu nhập trung bình cao, từ đó kích cầu tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa áp dụng chính sách), lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lệ phí trước bạ lần đầu là 102.924 xe, bình quân hơn 17,5 nghìn xe mỗi tháng. 6 tháng cuối năm khi được hưởng chính sách ưu đãi này, số lượng xe đăng ký lên tới 209.584 xe, bình quân gần 35 nghìn xe/tháng, tăng 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.

Đối với nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đã góp phần hỗ trợ các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho khi gặp dịch bệnh, nối lại chuỗi cung ứng và gia tăng sản xuất.

Theo báo cáo của VAMA cuối tháng 6/2020, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng đều qua các tháng. Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2020, sản lượng ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước bán ra tăng mạnh. Trong 2 tháng 11 và tháng 12 tăng lần lượt là gần 15% và 25% so với các tháng liền kề trước đó.

Theo tính toán, việc giảm lệ phí trước bạ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với thu ngân sách nhà nước, việc giảm lệ phí trước bạ làm giảm thu ngân sách. Tổng số thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 6 tháng cuối năm 2020 là 7.314 tỷ đồng. Do thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ nên số thu 6 tháng cuối năm được đánh giá là giảm tương ứng 7.314 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số thu lệ phí trước bạ 6 tháng cuối năm 2020 của các địa phương trên cả nước vẫn tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2020, do sản lượng xe ô tô bán ra trong 6 tháng cuối năm tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm.

Đề xuất tiếp tục giảm lệ phí trước bạ trong 6 tháng

Sang năm 2021, từ tháng 5/2021, dịch bệnh đã bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhiều nơi phải phong tỏa thời gian dài. Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng, số lượng xe tiêu thụ giảm mạnh.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, số xe đăng ký lệ phí trước bạ lần đầu là hơn 160 nghìn xe, bình quân hơn 26,6 nghìn xe/tháng. Trong 9 tháng, đạt 208.603 xe, bình quân hơn 23 nghìn xe/tháng. Đến quý III/2021 số xe đăng ký lệ phí trước bạ lần đầu đạt hơn 16 nghìn xe/tháng. Trong tháng 8 chỉ còn 8,8 nghìn xe/tháng.

Do đó, để gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đã hoàn thiện trình Chính phủ dự án Nghị định giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất chính sách này thực hiện từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022. Nếu trường hợp nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành nghị định từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Bộ Tài chính tính toán, việc thực hiện chính sách sẽ làm giảm thu lệ phí trước bạ theo chính sách, nhưng do số lượng xe tăng lên, nên tổng số thu về lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt vẫn tăng lên.

Biện pháp giảm lệ phí này chỉ áp dụng trong vòng 6 tháng, là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động của đại dịch Covid-19./.

Tăng lượng xe bán ra, tăng thu từ các loại thuế khác

Việc giảm lệ phí trước bạ năm 2020 đã dẫn đến sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên, từ đó làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo thống kê, tổng thu thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước 6 tháng đầu năm 2020 đạt 12.671 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm đạt 25.167 tỷ đồng, tăng khoảng 12.500 tỷ đồng.

Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước).

Tác động đến tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước: Tổng thu năm 2020 đạt 50.852 tỷ đồng; trong đó, tổng thu 6 tháng đầu năm 2020 là 18.371 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm là 32.481 tỷ đồng, tăng hơn 14 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,76 lần so với 6 tháng đầu năm.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)