Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tổ chức 03 hội nghị tập huấn, hội thảo về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tại 3 miền Bắc, Trung và Nam để trao đổi, thảo luận với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về các nội dung đổi mới về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2020/TT-BTC cũng như trao đổi, đề xuất, kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Bộ Tài chính tổ chức chuỗi hội nghị gỡ vướng về tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tạo điều kiện cho các ĐVSNCL thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước. Ảnh: TL
Đây là các hội nghị, hội thảo quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh các ĐVSNCL xây dựng phương án tự chủ tài chính lần đầu giai đoạn 2023-2025 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các ĐVSNCL và Thông tư số 56/2020/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL, trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và từ nguồn kinh phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ cùng với thời điểm triển khai phân bổ và giao dự toán thu, chi NSNN năm 2023.

Thực tế cho thấy, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được ban hành đã cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành về NSNN, đầu tư công, quản lý tài sản công; đặc biệt là đã khắc phục được những tồn tại hạn chế trong triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trước đây do thiếu các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong từng lĩnh vực.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính chung, có hiệu lực thi hành ngay đối với tất cả các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ĐVSNCL, tạo điều kiện cho các ĐVSNCL phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực, tài sản, tài chính của Nhà nước và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, giảm sự phụ thuộc vào NSNN, cải thiện nâng cao thu nhập cho người lao động.

Bộ Tài chính tổ chức chuỗi hội nghị gỡ vướng về tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã dẫn đến một số bất cập. Vì vậy, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị, hội thảo mong muốn trao đổi, lắng nghe sự chia sẻ kinh nghiệm, vướng mắc thực tế cũng như các kiến nghị, đề xuất của đại diện các bộ, cơ quan trung ương và Sở Tài chính các địa phương trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL. Từ đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan phù hợp với thực tiễn; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của ĐVSNCL, qua đó, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL và tăng cường quản lý NSNN theo kết quả đầu ra thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Theo kế hoạch, hội nghị tại miền Bắc được tổ chức ngày 11/11/2022, tại trụ sở Bộ Tài chính, số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, với sự tham dự của gần 300 đại biểu từ các bộ, cơ quan trung ương, đại diện các Sở Tài chính từ Nghệ An trở ra phía Bắc.

Hội nghị tại miền Trung được tổ chức ngày 18/11/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, số 1 Nguyễn Tất Thành, Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, với sự tham gia của các đại biểu đến từ Sở Tài chính từ Hà Tĩnh đến Khánh Hoà.

Hội nghị tại miền Nam được tổ chức ngày 25/11/2022 tại Trường Đại học Đồng Nai, số 8 Lê Quý Đôn, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, với sự tham gia của các đại biểu đến từ Sở Tài chính từ Lâm Đồng đến Cà Mau.