Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong nhiều năm qua, ADB luôn là đối tác quan trọng hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua cung cấp các tư vấn chính sách và nguồn lực tài chính. Bộ Tài chính trân trọng những đóng góp của ADB gần 30 năm qua trong các chương trình hỗ trợ và hợp tác dành cho Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.

Bộ Tài chính và ADB bàn giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả vốn vay ODA

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (bên phải) tặng quà lưu niệm ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: Đức Minh

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã cảm ơn và chúc mừng Văn phòng ADB tại Việt Nam về những thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa ADB và Việt Nam trong gần 30 năm qua.

Bộ trưởng cũng bày tỏ vui mừng được đón ông Masatsugu Asakawwa - Chủ tịch ADB sớm thăm Việt Nam nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và ADB vào tháng 3/2024.

Đề cập tới các dự án ADB đang thực hiện tài trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, Bộ Tài chính đã, đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chủ quản để trình Chính phủ, trình Chủ tịch nước về việc sửa đổi, gia hạn các dự án đúng thời hạn, như: Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 03 (dự án ga Nhổn - Hà Nội); Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long - xây dựng tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; Dự án nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2...

Liên quan đến tiến độ đàm phán Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị và Phú Yên (CRIEM II), Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đã tổ chức đàm phán chính thức với ADB về Hiệp định cho vay. Đề nghị ADB nêu ý kiến các bên tại biên bản đàm phán để Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Đề cập tới định hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao đề nghị của ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2027 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn vừa qua, nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Việt Nam cần huy động vốn từ ADB và các đối tác khác để bù đắp bội chi ngân sách và để thực hiện các cam kết chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng (JEFP), hướng tới mục tiêu chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo; phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Việc có thể huy động vốn vay trong giai đoạn này phụ thuộc rất lớn vào việc có các dự án đầu tư phù hợp, đảm bảo tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư trong nước của các dự án, sẵn sàng cho việc vay vốn, đồng thời chi phí vay hợp lý.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp ) để kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu, Nghị định số 114, Luật Điều ước quốc tế, nhằm tạo thuận lợi cho công tác đàm phán hiệp định vay, làm rõ và giải quyết các vấn đề liên quan đến các khác biệt trong quy định giữa Việt Nam và ADB.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị ADB tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính Việt Nam để tìm giải pháp tháo gỡ về một số nội dung như: các vấn đề mang tính nguyên tắc, nằm trong chính sách chung của ADB không thay đổi được; hay các nội dung cam kết chi tiết giữa Việt Nam và ADB...

Liên quan đến hoạt động đầu tư vào khu vực tư nhân của ADB, Bộ Tài chính đề nghị ADB tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để cung cấp căn cứ pháp lý và diễn giải các quy định về miễn thuế cho toàn bộ khoản vay B tại Hiệp định thành lập ADB; chia sẻ bản lưu chính thức tài liệu về việc gia nhập của Việt Nam để Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) có căn cứ thực hiện các thủ tục miễn thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như phù hợp với cam kết của Việt Nam với tư cách là nước thành viên của ADB.

Bộ Tài chính và ADB bàn giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả vốn vay ODA
Quang cảnh buổi tiếp và làm việc chiều ngày 22/2/2024. Ảnh: Đức Minh

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và các cán bộ Bộ Tài chính dành thời gian đón tiếp, thảo luận và chia sẻ thông tin về quá trình hợp tác giữa ADB với Việt Nam thời gian qua, cũng như những dự án hợp tác trong thời giam tới. Đồng thời, bày tỏ vui mừng khi Bộ Tài chính Việt Nam sẽ tham dự lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và ADB vào tháng 3/2024.

Theo ông Shantanu Chakraborty, với những nội dung phát sinh trong quá trình hợp tác giữa hai bên như: vướng mắc trong quá trình chuẩn bị dự án; khác biệt trong quy định về đền bù giải phóng mặt bằng, quy định đấu thầu... phía ADB luôn sẵn sàng phối hợp với Việt Nam, Bộ Tài chính để tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Shantanu Chakraborty, phía ADB mong muốn sẽ sớm hoàn tất tài liệu dự án, đi đến ký kết hiệp định cho vay, triển khai dự án đúng tiến độ để thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt là những dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Bộ trưởng vừa đề cập.

Đại diện ADB cũng cho biết, sau cuộc làm việc với Bộ Tài chính hôm nay và các bộ, ngành hữu quan, đoàn công tác của ADB sẽ cập nhật các chương trình, dự án của ADB cho Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2027.

ADB luôn là đối tác quan trọng hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam thông qua cung cấp các tư vấn chính sách và nguồn lực tài chính. ADB đã và luôn là nhà tài trợ lớn của Việt Nam trong lĩnh vực vay, viện trợ các dự án đầu tư công.

Tính đến tháng 2/2024, ADB và Việt Nam đã ký kết 190 Hiệp định vay và viện trợ với tổng giá trị 13,3 tỷ USD cho các chương trình, dự án, tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, y tế và giáo dục, nước và hạ tầng đô thị, nông nghiệp và tài nguyên, năng lượng.