Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để giải quyết các bất cập trong thực tiễn

Đại biểu đồng thuận nhiều nội dung Chính phủ trình

Tham gia ý kiến, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá, sau hơn 15 năm thi hành, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chính phát biểu tại tổ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ.

Các đại biểu cũng đồng tình rằng, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với những thay đổi, bổ sung mới trong hệ thống pháp luật, bên cạnh những kết quả đạt được, tính đến thời điểm hiện tại thì một số quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực này, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.

Do đó, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng thời gian qua; sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Các đại biểu cũng bày tỏ đồng thuận với các nội dung định hướng sửa đổi mà Chính phủ đề xuất.

Ví dụ như chuyển phân bón (đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Hay việc sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng của hộ, cá nhân kinh doanh từ mức 100 triệu đồng/năm lên mức 150 triệu đồng/năm là phù hợp.

Một số đại biểu đánh giá cao dự kiến sửa đổi quy định không phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng thành mức dưới 5 triệu đồng đối với điều kiện khấu trừ thuế giá trị đầu vào; và một số số nội dung khác theo Tờ trình của Chính phủ.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan thuế khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế sẽ căn cứ quy định của pháp luật về thuế giá trị và pháp luật về quản lý thuế để thực hiện. Tuy nhiên, việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quản lý thuế mới chỉ quy định người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà chưa quy định cụ thể trách nhiệm của công chức thuế khi giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.

Thời gian qua, một số vụ án hình sự về hoàn thuế giá trị gia tăng có liên quan đến công chức thuế đã được đưa ra xét xử.

"Thực tế doanh nghiệp cố tình thành lập doanh nghiệp “ma” cả trong và ngoài nước nhằm hợp thức hồ sơ đề nghị hoàn thuế đầy đủ theo quy định. Trong khi đó, thời gian hoàn thuế trước, kiểm tra sau là 6 ngày; kiểm tra trước, hoàn thuế sau là 40 ngày, nên cơ quan thuế không đủ thời gian và thẩm quyền để điều tra xác minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp" - ông Nghĩa nêu.

Về thuế suất, đại biểu đề nghị thuế suất thuế giá trị gia tăng tối thiểu đối với hàng hóa (thông qua các sàn thương mại điện tử), cung ứng dịch vụ (số hóa) từ nước ngoài cho các đối tượng tiêu dùng tại Việt Nam.

Vì vậy, để đảm bảo việc giải quyết hoàn thuế được kịp thời, tăng cường hậu kiểm sau hoàn thuế giá trị gia tăng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng.

Một ý kiến khác đề nghị bổ sung làm rõ hơn người nộp thuế là tổ chức, cá nhân bán hàng từ xa (nước ngoài) vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc cung cấp dịch vụ (số hóa) thông qua internet cho người mua tại Việt Nam đảm bảo cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc thu thuế.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Không thể doanh nghiệp làm sai nhưng công chức thuế chịu

Phát biểu tại tổ 8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh một số nội dung liên quan đến việc sửa Luật này.

Trước tiên là việc sửa đổi quy định: “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Theo Bộ trưởng, điều này nhằm đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Bởi theo Bộ trưởng, quy định này sau 5 năm hay 10 năm nữa để tránh lạc hậu thì nên giao về Chính phủ quy định. Khi cần điều chỉnh Chính phủ sẽ ra quy định phù hợp với sự mất giá của đồng tiền, từng giai đoạn.

Về chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%, lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ, việc này giúp gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu đưa vào sẽ tác động nhất định đến giá, cũng cần nghiên cứu lợi ích đất nước, đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững.

Việc gian lận hoá đơn, gian lận hoàn thuế, Bộ Tài chính cũng muốn rạch ròi để người gian dối phải chịu trách nhiệm, tránh mập mờ

Về vấn đề trách nhiệm của cơ quan thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trách nhiệm của cơ quan thuế hay doanh nghiệp cũng cần rạch ròi, theo nguyên tắc ai sai người đó chịu.

"Không thể doanh nghiệp làm sai nhưng công chức thuế chịu. Đề nghị có quyền điều tra xác minh. Dựa trên hồ sơ hoàn thuế nhưng hoá đơn giả, cơ quan thuế không lần ra được trong thời gian ngắn 6 hay 40 ngày phải hoàn thì không kiểm soát được. Do đó phải quy định rõ trách nhiệm mới làm mạnh mẽ được" - người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh./.