Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra
Quốc hội dự kiến họp chuyên đề vào cuối năm 2021, đầu năm 2022
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Gói kích thích kinh tế về lâu dài sẽ góp phần giảm bội chi ngân sách
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chủ động, sáng tạo hơn nữa trong điều hành chính sách tài khóa

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp tích cực, tâm huyết tại kỳ họp

Bà Lý Tiết Hạnh- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã thông báo tới hội nghị về kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Theo bà Lý Tiết Hạnh, kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV diễn ra trong 16 ngày, chia làm 2 đợt trực tuyến và trực tiếp, với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, thực hiện tổng hợp nhanh ý kiến ở tổ trước khi thảo luận ở hội trường, từ đó tiếp thu được ý kiến các đại biểu ở các tỉnh thành, được Quốc hội tổng hợp kỹ lưỡng trước khi báo cáo giải trình. Quốc hội đã đổi mới tích cực trong các phiên thảo luận trực tuyến và trực tiếp, nhiều ý kiến khác nhau được tập trung để thảo luận sâu hơn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Minh Tuấn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và tập trung tối đa thời gian cho công tác lập pháp với không khí thẳng thắn, trách nhiệm, đa chiều. Với tinh thần đó, Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra tại kỳ họp này.

Bà Lý Tiết Hạnh cho biết, Quốc hội đã thông qua 2 luật, cho ý kiến 5 dự thảo dự án luật và thông qua một số nghị quyết quan trọng khác. Đáng chú ý, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua các nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đây là những nghị quyết quan trọng, là đường hướng phát triển cho giai đoạn tới.

Đặc biệt, vấn đề huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển, đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế- xã hội, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân và cử tri cả nước trong giai đoạn tới cũng được Quốc hội bàn thảo tại kỳ họp này.

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đã có những đóng góp tích cực, tham gia nhiều ý kiến tâm huyến, trách nhiệm tại kỳ họp, các ý kiến của đoàn đã được tiếp thu tại các nghị quyết của Quốc hội. Những cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ sở để Đoàn có những đóng góp tại các kỳ họp của Quốc hội.

Bà Hồ Thị Kim Thu- Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh đã báo cáo những kiến nghị cử tri tỉnh Bình Định gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Cử tri tỉnh Bình Định đồng tình với các nghị quyết và kiến nghị của Quốc hội, đồng thời kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục nâng cao công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ…

Đối với lĩnh vực tài chính và đầu tư, cử tri Bình Định đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ địa phương đối với các chính sách ban hành trong thời kỳ ổn định ngân sách nhưng chưa được bố trí trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định.

Cử tri tỉnh Bình Định cũng đề nghị xem xét điều chỉnh danh mục tài sản mua sắm tập trung cho phù hợp; đối với những tài sản có giá trị nhỏ, có tính riêng lẻ, tính đặc thù theo yêu cầu công tác, giao cho cơ quan, đơn vị tự mua sắm, nhằm đáp ứng kịp thời tiến độ thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo quy định và hiệu quả công việc.

Gửi kiến nghị đến các vị đại biểu Quốc hội, cử tri tỉnh Bình Định đề nghị được tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp cấp bách 21 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, đảm bảo cho công tác an toàn hồ chứa; kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xác định, khoanh vùng cụ thể để cắm mốc tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Bình Định để địa phương chủ động trong việc quy hoạch, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời sớm triển khai xây dựng tuyến đường này trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch.

Chia sẻ với người dân và doanh nghiệp trong điều kiện của ngân sách

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội đã rất đổi mới trong hoạt động, dù trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng kỳ họp của Quốc hội đã được thực hiện hiệu quả, các bộ trưởng về cơ bản đã trả lời đáp ứng chất vấn của cử tri.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định

Cuộc tiếp xúc cử tri tại MTTQ tỉnh Bình Định nhận sự quan tâm của nhiều cử tri. Ảnh: Minh Tuấn

Một số cử tri kiến nghị Chính phủ, Quốc hội: cần có khung giá, đấu thầu giá điện; cần ban hành luật cho hội có tính chất đặc thù; chất lượng sách giáo khoa còn nhiều bất cập; nghiên cứu tiêm vắc-xin cho trẻ em; chủ động nguồn vắc-xin trong nước và thuốc chữa bệnh; một số chính sách về thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải đáp cặn kẽ, trách nhiệm về một số kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề tài chính - ngân sách.

Theo Bộ trưởng, với các kiến nghị chung về tài chính, Bộ sẽ nghiên cứu tiếp thu để tham mưu chính sách cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho biết, Bình Định là tỉnh hưởng trợ cấp ngân sách của Trung ương, đối với các chính sách phát sinh khi chưa cân đối được ngân sách, thì Trung ương sẽ hỗ trợ.

Trao tặng 50 nhà đại đoàn kết cho tỉnh Bình Định

Nhân dịp này, Bộ Tài chính phối hợp SCIC trao 30 nhà đại đoàn kết trị giá 1,5 tỷ đồng; phối hợp với Tập đoàn Bảo Việt trao 20 nhà đại đoàn kết trị giá 1 tỷ đồng cho tỉnh Bình Định; Tập đoàn Thaco trao tặng tỉnh 50 nghìn bộ kit xét nghiệm Covid-19 trị giá 3,5 tỷ đồng.

Công đoàn Bộ Tài chính đã hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Bình Định.

Về đấu thầu vật tư thiết bị mua sắm tài sản nhà nước, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ đang chỉ đạo, tổng kết, sơ kết việc thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, để đánh giá các khuyết điểm, tồn tại, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung. Theo Bộ trưởng, hình thức này có nhiều ưu điểm, giảm giá mua, đảm bảo chất lượng và đồng đều nhưng vẫn còn hạn chế, thời gian thực hiện lâu và thiếu chủ động, trong thanh toán còn mất thời gian, do đó cần đánh giá, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định
Bộ Tài chính phối hợp với một số đơn vị trao tặng 2,5 tỷ đồng xây 50 nhà đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Tuấn.

Tuy nhiên, đối với các đơn vị thiếu tài sản phục vụ cho công việc thường xuyên thì phải chủ động mua sắm, thay thế tài sản mang tính riêng lẻ, không thường xuyên. Bộ Tài chính sẽ đánh giá lại, trường hợp nào mua sắm tập trung, trường hợp nào mua sắm riêng lẻ.

Về quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích, thủy lợi, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đã ban hành định mức cụ thể, tuy nhiên trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ xem xét, nghiên cứu để sửa đổi những bất cập…

Liên quan đến chính sách cho người có công, cử tri đề nghị các bộ, ngành cần trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ hỗ trợ nhà ở cho người có công theo hướng nâng mức hỗ trợ, mức hiện nay 40 triệu đồng/nhà là thấp. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ nghiên cứu để phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong trước mắt, để khắc phục các bất cập này, Bộ trưởng đề nghị, cùng với chính sách hiện hành của nhà nước, địa phương cần linh động huy động các nguồn lực để thêm nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công chất lượng, hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định
Công đoàn Bộ Tài chính tặng 100 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh.

Giải đáp kiến nghị của cử tri liên quan đến chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021…

Quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính đó là, hỗ trợ trong điều kiện của ngân sách nhà nước và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi một số luật về thuế vào thời điểm thích hợp”, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết thêm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục có những đóng góp để thúc đẩy Bình Định - miền đất võ trời văn ngày một phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay, tỉnh phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4 bùng phát và tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội.

“Các vị đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ, hỗ trợ cho địa phương trong công tác phòng chống dịch, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn”, ông Lê Kim Toàn nói.

Nhân dịp này, Bộ Tài chính phối hợp SCIC trao 30 nhà đại đoàn kết trị giá 1,5 tỷ đồng; phối hợp với Tập đoàn Bảo Việt trao 20 nhà đại đoàn kết trị giá 1 tỷ đồng cho tỉnh Bình Định; Tập đoàn Thaco trao tặng tỉnh 50 nghìn bộ kit xét nghiệm Covid-19 trị giá 3,5 tỷ đồng. Công đoàn Bộ Tài chính đã hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Bình Định./.

Tập trung “phủ sóng” vắc-xin cho toàn dân

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã thông tin đến cử tri về tình hình phòng chống dịch và tiến độ tiêm vắc-xin. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, tại Bình Định đến thời điểm này đã tiêm vắc-xin gần 70% mũi 1 và 30% mũi 2 cho người dân, như vậy tỉnh đã gần đến đích, phấn đấu cuối năm hoàn thành tiêm cho người lớn và 70% tiêm cho các thanh thiếu niên từ 12-16 tuổi.

Thời gian tới, Bộ Y tế phân bổ công bằng vắc-xin cho các địa phương; đề xuất dừng tiêm ở các địa phương đã tiêm đủ 2 mũi, chưa tổ chức tiêm mũi 3 để dành cho người dân các địa phương “phủ sóng” vắc-xin.

Giải đáp thắc mắc của cử tri về việc có nên tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi không, ông Nguyễn Lân Hiếu cho biết, các nước cũng đã thực hiện, nhưng qua thực tế, trẻ dưới 12 tuổi bị bệnh nặng rất ít. Giai đoạn tới, khi tiêm đủ cho các cháu từ 12-16 tuổi, chú trọng tiêm cho các cháu có bệnh nền.

Về chống dịch, hiện nay Bộ Y tế đã có kết luận cụ thể, khoanh vùng theo các cấp độ và thực hiện chủ trương sống chung với dịch bệnh. Các địa phương cũng cần phải linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch, nên phân biệt: người nhiễm và người nghi nhiễm, không sử dụng cụm từ F1, F0…; thực hiện test nhanh người nghi nhiễm là cách tiết kiệm các nguồn lực xã hội, ngay lập tức khống chế dịch, không thực hiện cách ly nhiều. Bên cạnh đó, thực hiện xét nghiệm sàng lọc, theo dõi tình hình bùng dịch ở địa phương, chứ không thực hiện xét nghiệm tràn lan…