nh

Với lãi suất cho vay tiêu dùng cao, các công ty tài chính tiêu dùng luôn đem lại hệ số biên độ lãi ròng mơ ước cho các ngân hàng.

Nối nhau bán công ty tài chính

Thời gian vừa qua, lác đác xuất hiện những cuộc chia tay của nhiều ngân hàng với các công ty tài chính tiêu dùng.

Một số ngân hàng gần đây đang hé lộ động thái có thể bán các công ty tài chính thuộc các ngân hàng sở hữu là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, SHB đã chính thức có nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc bán/chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Tài chính SHB (SHB FC). Đối tác nhận chuyển nhượng là Bank of Ayudhya Publish Company Limited.

Tài chính tiêu dùng hấp dẫn

các đối tác ngoại


Dù ít nhiều có những mặt bất lợi, nhưng mảng tài chính tiêu dùng cũng không phải “khúc xương” khó nuốt đối với các ngân hàng, mà thị trường đang hình thành một xu hướng chuyên nghiệp hóa hơn. Theo đó, những đối tác ngoại có thế mạnh trong việc quản trị các công ty tài chính tiêu dùng sẽ muốn tiếp quản các công ty này để theo đuổi những mục tiêu riêng của họ trong việc tiếp cận thị trường nội địa.
Chẳng hạn như đối tác mua FE Credit, Tập đoàn SMBC là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu Nhật Bản với hơn 900 chi nhánh và đã thành lập các công ty con tại Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc… Việc SMBC đầu tư vào FE Credit cũng nằm trong toan tính dài hơi của tập đoàn này nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á.

Trong khi đó, MSB có có thể sẽ thoái vốn tại Công ty tài chính FCCOM, ngân hàng này kỳ vọng thương vụ dự kiến hoàn tất trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó hồi quý II/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đạt thỏa thuận bán 49% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Tập đoàn SMBC).

Động thái bán công ty tài chính tiêu dùng của các ngân hàng cũng đặt ra nhiều thắc mắc, bởi đây đã từng là những “con gà đẻ trứng vàng” trong những năm trước. Lý do là, với lãi suất cho vay tiêu dùng cao, các công ty tài chính tiêu dùng luôn đem lại hệ số biên độ lãi ròng mơ ước cho các ngân hàng có thế mạnh ở lĩnh vực này. Năm 2020, VPBank – một ngân hàng có thế mạnh trong cho vay tiêu dùng – được ghi nhận có hệ số biên độ lãi ròng đạt tới 8,7%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả những ngân hàng có thế mạnh huy động vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn.

Gió đổi chiều?

Thực chất, việc thoái vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng cũng có thể xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có cả lý do “được giá thì bán”. Chẳng hạn như trường hợp VP Bank, thương vụ thoái vốn tại FE Credit được định giá lên tới 2,8 tỷ USD. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của VPBank, ông Ngô Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, nguồn tiền thu về từ việc thoái vốn sẽ giúp VPBank tăng cường năng lực tài chính, qua đó giúp ngân hàng có thể đầu tư thêm cho một số mảng hoạt động như ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản…

Tuy nhiên diễn biến năm 2021 cho thấy, hoạt động kinh doanh của các công ty con của VP Bank không “dễ thở” chút nào trong khó khăn mùa dịch. Kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất nửa đầu năm 2021 của VPBank đạt 7.218 tỷ đồng, thấp khá nhiều so với lợi nhuận sau thuế của riêng ngân hàng mẹ với 9.946 tỷ đồng. Điều này cho thấy, các công ty con đang “kìm chân” ngân hàng mẹ khá nhiều, trong khi trong kỳ tài chính bán niên 2021, VP Bank cũng chỉ có 2 công ty con hợp nhất vào báo cáo tài chính là FE Credit và một công ty nữa là Công ty quản lý tài sản VP Bank AMC.

Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay cũng đang chịu áp lực khá lớn trong việc tăng các chỉ số về an toàn tài chính. Trong khi đó, các công ty tài chính tiêu dùng tuy có thể có những giai đoạn đem nguồn thu cao, nhưng ở mặt bằng chung thì tỷ lệ nợ xấu từ các công ty này thường cao hơn so với tín dụng ngân hàng thông thường.

Nói về tính chất các công ty tài chính tiêu dùng, đại diện của một công ty tài chính cho biết, với một ngân hàng thông thường thì việc giữ nợ xấu dưới 3% là điều dễ, nhưng với công ty tài chính tiêu dùng việc này là rất khó. Lý do là, tính chất hoạt động của mảng tài chính tiêu dùng là cho vay cá nhân tín chấp, nên tình trạng nợ xấu không thể dùng làm tiêu chí chung để so sánh như các ngân hàng. Ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Câu lạc bộ pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng cũng tiết lộ, thống kê sơ bộ hiện nay cho biết, tỷ lệ nợ xấu bình quân của các công ty tài chính có thị phần lớn trên thị trường hiện lên tới 6 - 7%.

Với tính chất có phần khác nhau như trên, các ngân hàng khi hợp nhất báo cáo tài chính các công ty tài chính tiêu dùng con vào báo cáo tài chính hợp nhất toàn hệ thống thì ít nhiều tỷ lệ nợ xấu bình quân hợp nhất cũng sẽ bị kéo lên cao hơn so với báo cáo riêng ngân hàng mẹ.

Đơn cử như trường hợp VP Bank, dư nợ cho vay hợp nhất tại thời điểm giữa năm 2021 là 306.026 tỷ đồng, số dự phòng rủi ro là 4.027 tỷ đồng, tỷ lệ trích lập theo đó là khoảng gần 1,6%. Trong khi đó với riêng ngân hàng mẹ, tổng dư nợ cho vay là 249.560 tỷ đồng, số dự phòng rủi ro là 3.035 tỷ đồng, tỷ lệ trích lập chỉ hơn 1,2%.

Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

giai đoạn 2021 - 2025


Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 232/TB-VPCP ngày 6/9/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Theo thông báo này, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các cơ quan tại cuộc họp, hoàn chỉnh Đề án, bảo đảm chất lượng, thiết thực, cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đạt được mục tiêu đề ra.

Trong đó, đối với một số mục tiêu, NHNN nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu phù hợp, trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn trước và điều kiện triển khai của giai đoạn 2021 - 2025. Xem xét tính toán xây dựng khung chỉ tiêu để bảo đảm khả thi, phù hợp thực tế, địa bàn, địa lý.

Về giải pháp: Quán triệt nguyên tắc thiết kế các giải pháp tạo môi trường, điều kiện ưu đãi, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật, không đưa các giải pháp mang tính chất thủ tục hành chính bắt buộc, đặc biệt là làm tăng chi phí. Nghiên cứu có cơ chế, giải pháp tăng lợi ích để khuyến khích và tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, thói quen của người dân đối với các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt.

Về tổ chức thực hiện: Rà soát để bổ sung quy định về phân công trách nhiệm thực hiện cụ thể cho các bộ, cơ quan với nhiệm vụ rõ ràng, có thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan kiểm tra, đánh giá, để bảo đảm đạt được mục tiêu chung của Đề án. Nghiên cứu kỹ về sự cần thiết xây dựng Luật Thanh toán.

NHNN khẩn trương trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại cuộc họp ngày 21/7/2021, bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống, bí mật cá nhân, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương chủ trì, nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo các nội dung nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 9/2021.

Chí Tín