bh

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới tiểu thương tại Thanh Hóa.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức mục tiêu này. Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn bà Đinh Mai Hạnh - Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) xung quanh vấn đề này.

* PV: Xin bà cho biết đôi nét về tình hình thực hiện phát triển BHXH tự nguyện từ đầu năm 2020 tới nay?

- Bà Đinh Mai Hạnh: Từ khi có Nghị quyết 28-NQ/TW, số người tham gia BHXH tự nguyện đã phát triển nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018, toàn quốc đã có trên 277.000 người tham gia, tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển từ năm 2008 (năm bắt đầu triển khai chính sách BHXH tự nguyện) đến năm 2018 cộng lại.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, việc phát triển BHXH tự nguyện đã phải đối mặt với một thách thức lớn khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và tác động trực tiếp tới Việt Nam gây thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội. Theo số liệu của chúng tôi, ước tính đến hết 31/5/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,404 triệu người, đạt 89,8% kế hoạch giao (giảm 11.500 người so với tháng 4/2020). Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 600.600 người (sau khi giảm liên tục trong những tháng đầu năm), đạt 50% kế hoạch giao (tăng 42.000 người so với tháng 4/2020, tăng 26.000 người so với năm 2019).

hanh
Bà Đinh Mai Hạnh

* PV: Bà có thể cho biết một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm số người tham gia BHXH bắt buộc, tăng số người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian đầu năm 2020?

- Bà Đinh Mai Hạnh: Từ đầu 2020 đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm từ nguyên nhân khách quan: chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc.

Riêng số người tham gia BHXH tự nguyện những tháng đầu năm cũng có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập người dân giảm do dịch bệnh nên có một bộ phận không thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia. Trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội, cơ quan BHXH cũng như các đại lý thu không đi vận động hoặc tổ chức hội nghị khách hàng được.

Tuy nhiên đến tháng 5, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, các hoạt động kinh tế, xã hội được trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, BHXH Việt Nam thực hiện đổi mới công tác truyền thông, khi lần đầu tiên phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức thành công “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện” trên quy mô toàn quốc vào ngày 23/5/2020. Chỉ sau 2 ngày (23 - 24/5/2020) ra quân tuyên truyền, vận động, trên toàn quốc đã có 30.017 người tham gia BHXH tự nguyện và phát triển thêm được 4.734 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong điều kiện bình thường, tốc độ phát triển BHXH năm sau sẽ tăng thêm khoảng 5 - 6% so với năm trước liền kề. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện đang gặp nhiều khó khăn. Đây là một thách thức lớn, tuy nhiên, tôi cho rằng khó khăn này chỉ là ngắn hạn. Cùng với việc từng bước kiểm soát được dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới, những nỗ lực của Chính phủ trong khôi phục lại nền kinh tế và quyết tâm của các bộ ngành liên quan trong thực hiện chính sách thì việc phát triển BHXH tự nguyện sẽ dần trở lại quỹ đạo.

* PV: Vậy theo bà, trong bối cảnh dịch Covid hiện nay, BHXH Việt Nam cần tiếp tục triển khai những giải pháp gì để phát triển BHXH tự nguyện có sự “bứt phá”, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao?

- Bà Đinh Mai Hạnh: Phải nói rằng, công tác phát triển BHXH luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài những khó khăn mang tính ngắn hạn kể trên thì chính sách BHXH cũng có tính đặc thù, đó là hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn. Thực tiễn cho thấy, thường phải mất một quá trình dài người dân mới có thể hiểu, cảm nhận được lợi ích thiết thực của chính sách BHXH. Để rút ngắn quá trình này, thay đổi nhận thức của người dân thì sự đổi mới, đột phá trong công tác truyền thông giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, bên cạnh “đòn bẩy” từ công tác truyền thông thì việc hoàn thiện, đổi mới chính sách BHXH sao cho hấp dẫn, thuận lợi trong đóng, hưởng lại giữ vai trò quyết định cho sự lựa chọn, tham gia lâu dài của người dân.

Vì vậy, để phát triển BHXH tự nguyện bền vững, hướng tới BHXH toàn dân, năm 2020, BHXH Việt Nam xác định tiếp tục song hành nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính gồm: tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại. Qua đó, giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó sẽ đề xuất, kiến nghị: sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện.

Cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Ước tính đến hết 31/5/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,404 triệu người, đạt 89,8% kế hoạch giao (giảm 11.500 người so với tháng 4/2020). Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 600.600 người (sau khi giảm liên tục trong những tháng đầu năm), đạt 50% kế hoạch giao (tăng 42.000 người so với tháng 4/2020, tăng 26.000 người so với năm 2019).

Hà My (thực hiện)