Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh sởi được Bộ Y tế tổ chức chiều 15/3. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cảnh báo trường hợp mắc bệnh sởi đang gia tăng Các tỉnh, thành phố tổ chức ngay chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi Bộ Y tế yêu cầu Quảng Nam đẩy nhanh tiêm chủng trước diễn biến của bệnh sởi

Lây truyền nhanh qua đường hô hấp

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh có vaccine phòng bệnh từ lâu ( sởi, ho gà...) có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi và trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Cả nước ghi nhận 5 ca tử vong liên quan đến sởi, miền Nam dẫn đầu số ca mắc
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh: Văn Nam

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (80% hoặc ít hơn).

Nguy cơ tiếp tục gia tăng ca mắc sởi

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, tăng cao.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi trong thời gian hiện nay; mặc dù Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biệt pháp phòng chống bệnh sởi từ cuối năm 2024, tuy nhiên đến nay tình hình bệnh sởi vẫn ở mức cao và có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

Tại Việt Nam, việc biến đổi khí hậu làm cho tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc sởi có xu hướng tăng.

Trước khi triển khai tiêm 1 liều vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp. Số mắc ghi nhận chủ yếu ở miền Bắc với tỷ lệ mắc là 137,7/100.000 dân năm 1979 và 125,7/100.000 dân năm 1983, đây là 2 đỉnh của một chu kỳ dịch sởi cách nhau khoảng 3-4 năm.

Việc tiêm vaccine sởi được bắt đầu đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 10 năm 1985. Sau 40 năm tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ em, tỷ lệ mắc sởi đã giảm rõ rệt, giảm từ 112,8/100.000 dân năm 1986 xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010.

Sau chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên toàn quốc cuối năm 2010 tỷ lệ mắc sởi tiếp tục giảm trong các năm 2010 - 2012. Tuy nhiên vẫn tạo những đợt bùng phát dịch sởi theo chu kỳ khoảng 5 năm: đợt dịch sởi 2014-2015, 2019-2020 và đợt này là 2024-2025.

“Thời gian qua số ca mắc sởi có giảm so với giai đoạn trước đây nhưng theo chu kỳ 5 năm 1 lần thì hiện là chu kỳ của dịch sởi bùng phát. Năm 2024, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, công điện triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, ngoài tiêm thường xuyên trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm lứa tuổi thấp hơn hoặc cao hơn). Trong quá trình triển khai đến năm 2025, các trường hợp mắc sởi vẫn còn phức tạp” - Bộ Trưởng Bộ Y tế cho hay.

Có một bộ phận người dân "Anti vaccine"

Theo ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi trên cả nước còn thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa dịch bệnh. Có những tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng ở các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh chỉ có 40%, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine cũng thấp. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, có một bộ phận người dân "Anti vaccine", không đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh.

hậm chí có người dân cho rằng, tiêm vaccine hay không tiêm cho trẻ cũng như nhau. Ngoài ra, còn có nhóm ở vùng sâu, vùng xa khả năng tiếp cận tiêm vaccine còn khó, tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà ở vùng xa cũng khó tiếp cận việc tiêm vaccine cho trẻ. Đây là những lý do khiến tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi tại một số địa phương còn thấp.

Cả nước ghi nhận 5 ca tử vong liên quan đến sởi, miền Nam dẫn đầu số ca mắc
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh sởi trên cả nước hiện nay còn thấp. Ảnh: TL

Theo quy định, Bộ Y tế là đơn vị được giao nhiệm vụ mua và chủ động bàn giao vaccine trong Chương trình tiêm chủng quốc gia tới các địa phương. Việc rà soát đối tượng tiêm, mua sắm sinh phẩm vật tư đi kèm hoạt động tiêm chủng là do địa phương chủ động và mua sắm. Tuy nhiên, có địa phương ban hành kế hoạch chậm nên việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ cũng còn chậm so với dự kiến.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan yêu cầu, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và báo cáo ngay tình hình. Bên cạnh đó, cần huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không chỉ có ngành y tế; đồng thời chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là các vùng có nguy cơ cao để xử lý ngay dịch bệnh.

Ông Đức cho biết, hiện tại, Kon Tum mới triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ. 10 địa phương khác trên cả nước triển khai tiêm còn chậm như: Đắc Nông, Nghệ An, Thanh Hoá, Bến Tre, Bình Phước...

Ngoài ra, các trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ tích luỹ qua nhiều năm cũng tạo khoảng trống miễn dịch làm giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ lây lan. Bên cạnh đó, việc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh khi chưa đến độ tuổi tiêm chủng (khoảng hơn 20% trẻ dưới 9 tháng tuổi) làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Còn theo ông Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 1000 ca mắc sởi, trong đó có số ca mắc chưa tiêm chủng chiếm hơn 50%./.