Sập bẫy, lừa đảo vay tiền qua APP tín dụng đen

Cơ quan chức năng cảnh báo, hình thức của các đối tượng lừa đảo chủ yếu là quảng cáo lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí có nơi còn cho vay ưu đãi 0% hoặc thủ tục vay không cần tài sản thế chấp. Nhưng trên thực tế đây là hình thức vay nhanh, thanh toán ngắn trong vòng 7 đến 10 ngày với lãi suất rất cao.

Cảnh báo các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản dịp Tết Nguyên đán 2024

Sập bẫy, lừa đảo vay tiền qua APP tín dụng đen. Ảnh minh hoạ

Trong trường hợp nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến “tín dụng đen”, người dân có thể chủ động cảnh báo đến tại trang web canhbao.khonggianmang.vn để cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Các đối tượng thường dùng mạng xã hội Zalo, hoặc Facebook nhắn tin điều hành giao dịch việc cho vay và thu hồi nợ. Thường thẩm duyệt hồ sơ khách hàng bằng cách yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, năm sinh, nơi làm việc kèm theo số điện thoại…

Để thuận tiện cho việc đòi nợ, các ứng dụng yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện, ảnh CMND hoặc CCCD.

Khi đến hạn thanh toán mà người dân không trả, hoặc chậm trả lãi, các đối tượng sẽ truy cập vào điện thoại, hoặc quay sang đòi nợ những người trong danh bạ (dù không liên quan đến tài khoản vay); gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm hoặc dùng mạng xã hội đăng tải hình ảnh người khác với mục đích bôi nhọ… gây áp lực ép người vay phải trả tiền.

Trước thực trạng trên, Cục An toản thông tin khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp. Tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web , hoặc ứng dụng không đáng tin cậy. Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.

Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.

Lừa đảo, giả danh cán bộ công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền đã mất

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo, mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ an ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.

Cảnh báo các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản dịp Tết Nguyên đán 2024

Lừa đảo, giả danh cán bộ công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền đã mất. Ảnh minh hoạ

Các đối tượng giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa, cam kết lấy lại được tiền với thủ tục nhanh chóng, hiệu quả thủ tục đơn giản hơn nhiều so với việc đến cơ quan Công an trình báo.

Đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn và yêu cầu nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin đưa ra khuyến cáo cho người dân, đặc biệt là những người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể, trong trường hợp nhận được cuộc gọi nghi ngờ mạo danh, người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Người dân có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại số điện thoại và thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo vụ việc. Thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội.

Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai.

Cục An ninh thông tin đề nghị người dân trong trường hợp đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.