Cổ phiếu PHR, ẩn số từ lợi nhuận khác

Việc Cao su Phước Hòa mới đưa ra một kết quả kinh doanh quý I/2021 khá đẹp mắt, phần nào có thể sẽ làm gia tăng kỳ vọng cho cổ phiếu PHR vốn đã là một trong những cổ phiếu tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua.

Nhìn vào diễn biến cổ phiếu PHR có thể thấy, đây là một trong những cổ phiếu có đà đi lên khá tốt trong nửa cuối năm 2021. Theo đó, sau một giai đoạn đi xuống khoảng từ tháng 1 đến tháng 7/2021, thì PHR đã bước vào giai đoạn thăng hoa, tăng tốc liên tục từ mặt bằng khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 7/2021 lên vượt mốc 80.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022.

Cao su Phước Hòa và những ẩn số đằng sau “lợi nhuận khác”
Cao su Phước Hòa (PHR) và những ẩn đằng sau “lợi nhuận khác”. Ảnh: T.L
CII: Cổ phiếu "bay cao" rồi "ngã sâu" và góc khuất sau hàng tồn kho Vinacafe Biên Hòa (VCF): Lợi nhuận sụt giảm nhưng tiền mặt bất ngờ tăng vọt Tập đoàn Bảo Việt: Năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 21,4%

Từ tháng 1/2021 đến nay, diễn biến thị giá của cổ phiếu PHR có chiều hướng chững lại, vẫn tiếp tục dao động quanh mốc trên dưới 80.000 đồng/cổ phiếu và cũng chưa xác định rõ xu hướng tiếp theo.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể có lý do đặt kỳ vọng khi công ty này vừa đưa ra con số lợi nhuận sau thuế quý I/2022 tăng trưởng khá mạnh với kết quả 240 tỷ đồng, tăng gấp hơn 11,3 lần so với con số lợi nhuận sau thuế 21,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Con số lợi nhuận đạt được trong quý I/2022 đang tiến dần mục tiêu giàu tham vọng mà doanh nghiệp này đưa ra trong báo cáo thường niên với mục tiêu tổng doanh thu gần 2.253 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 898,84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt gần 744 tỷ đồng. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 40%.

Riêng về con số lợi nhuận trong quý đầu năm của Cao su Phước Hòa, nhà đầu tư hoàn toàn có thể có niềm tin doanh nghiệp đang tạo đà tốt cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, quan sát kỹ cơ cấu thu nhập của doanh nghiệp có thể thấy, lợi nhuận tăng trong quý I chỉ nhờ những khoản thu nhập bất thường từ những hoạt động không thường xuyên, chứ không phải từ hoạt động chính.

Doanh thu thuần quý I/2022 của Cao su Phước Hòa quý I/2022 đạt 303 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của công ty trong giai đoạn này cũng khá mạnh, lên tới 274 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với quý I/2021. Do tốc độ tăng của giá vốn hàng bán nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp bị sụt giảm mạnh, chỉ đạt gần 29 tỷ đồng trong quý I/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 35 tỷ đồng. Cụ thể, tách riêng mảng kinh doanh mủ cao su thì lợi nhuận mảng này thậm chí đã bị sụt giảm 6,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 32,33% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh chính sụt giảm như trên, nhưng công ty lại được “cứu” bởi một khoản “lợi nhuận khác” rất lớn lên tới gần 282 tỷ đồng và nhờ đó có sự tăng trưởng đột biến với con số lợi nhuận sau thuế như đề cập ở trên.

Doanh nghiệp cao su cũng “phất” nhờ đất

Đi tìm nguồn gốc của khoản “lợi nhuận khác” khá lớn như trên của Cao su Phước Hòa có thể thấy, số tiền này chủ yếu đến từ việc công ty thu tiền bồi thường hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện Dự án Khu công nghiệp VSIP III.

VSIP III còn được gọi là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III có quy mô 1.000 ha, được đầu tư xây dựng tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng. Được biết năm 2019, Cao su Phước Hòa đã ký hợp đồng với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) để thực hiện bồi thường và hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao 691 ha để thực hiện Dự án VSIP III.

Những khoản thu nhập từ chuyển đổi đất phần nào có thể đem lại lợi nhuận tức thời cho Cao su Phước Hòa, tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa quỹ đất trồng cao su của doanh nghiệp đang có xu hướng thu hẹp dần. Ngoài phần đất chuyển đổi cho Dự án VSIP III, Cao su Phước Hòa cũng đang tiếp tục chuyển đổi nhiều phần đất khác cho các dự án ngoài ngành cao su.

Cụ thể, doanh nghiệp này đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để triển khai mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình 1.055 ha (giai đoạn 2); làm chủ đầu tư 2 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là Hội Nghĩa (715 ha), Bình Mỹ (1.002 ha) và Khu công nghiệp Tân Lập I (2021,62 ha).

Động thái hiện tại cho thấy Cao su Phước Hòa đang đặt những kỳ vọng lớn vào ngành nghề kinh doanh không phải cốt lõi, trong khi ngành kinh doanh chính là cao su lại có chiều hướng sa sút trong giai đoạn đầu năm 2022. Trong khi đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cao su sang đất sử dụng cho mục đích khác có thể cũng sẽ khiến công ty này sẽ còn phải đôn đáo cho việc chuẩn bị các thủ tục pháp lý./.