Mức nợ xấu cao đang tiếp tục gây khó khăn cho ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, cùng các hệ quả kinh tế của đại dịch Covid-19 và một thị trường mua bán nợ khó đòi chưa phát triển.

Cấp khoản tín dụng 60 triệu USD để giải quyết các khoản nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam
Quỹ do IFC và WFG hợp tác dự kiến ​​sẽ giúp giải quyết các khoản nợ xấu lên đến 1,2 tỷ USD tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo đó, một quỹ mới do IFC và WFG đồng tài trợ và Công ty TNHH Mua bán nợ Welcome (WDT) - một công ty con của Tập đoàn WFG, đồng thời là nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ về nợ khó đòi tại Việt Nam quản lý sẽ tập trung mua lại và giải quyết các khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính trong nước.

Quỹ này dự kiến ​​sẽ giúp giải quyết các khoản nợ xấu lên đến 1,2 tỷ USD, nhờ đó khoảng 400.000 người vay không trả được nợ có thể tái tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.

Với gần 20 năm kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại Hàn Quốc, Tập đoàn WFG là doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên gia nhập thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam cách đây 3 năm. Thông qua công ty con là WDT đăng ký hoạt động tại Việt Nam, tập đoàn này đã mua lại hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) nợ xấu từ ba tổ chức tài chính trong nước.

Ông Son Jongjoo - Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Welcome cho biết: "Trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đã giúp hơn 16.000 khách hàng tại Việt Nam thoát khỏi bế tắc về tín dụng và xây dựng lại quan hệ tài chính lành mạnh. Thông qua chương trình đồng đầu tư này, chúng tôi sẽ có thể cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho nhiều khách hàng hơn nữa với sự hỗ trợ về năng lực và kinh nghiệm toàn cầu về xử lý và quản lý nợ xấu của IFC”.

Khoản đầu tư của IFC là một phần trong chương trình tổng thể, được triển khai với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) nhằm giúp thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và chuyên nghiệp thông qua hoàn thiện khung pháp lý về xử lý nợ xấu và mua bán nợ, đồng thời áp dụng các thông lệ tốt nhất trong ngành và nâng cao năng lực cho các bên tham gia thị trường. Giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ góp phần xây dựng một ngành tài chính ngân hàng linh hoạt hơn, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong nước.

“Tiếp cận tài chính và tín dụng là chìa khóa để phát triển kinh tế ở các thị trường mới nổi do nợ xấu chưa được giải quyết sẽ hạn chế dòng tín dụng cũng như tăng trưởng. Chúng tôi tin rằng quan hệ hợp tác giữa IFC và Tập đoàn Tài chính Welcome sẽ tăng cường tính thanh khoản vô cùng quan trọng đối với thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp các tổ chức tài chính tiếp tục cho vay, đồng thời khôi phục uy tín tín dụng của các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần ổn định tài chính và tạo việc làm” - ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.

Khoản đầu tư này thuộc Chương trình Thu hồi nợ xấu (DARP) của IFC, tập trung vào việc mua lại và giải quyết các khoản nợ xấu tại các thị trường mới nổi. Tính đến tháng 3/2024, 9,1 tỷ USD đã được cam kết hoặc huy động thông qua Chương trình DARP, bao gồm 3,2 tỷ USD từ IFC và 5,9 tỷ USD từ các nhà đầu tư bên thứ ba.