“Chặng nước rút” triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đồ họa: Văn Chung
Tốc độ vẫn chậm

Trong các thông điệp đưa ra gần đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn thể hiện quyết tâm triển khai các gói tín dụng chính sách hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 2% lãi suất.

Gói hỗ trợ 2% lãi suất (tương đương 40 nghìn tỷ đồng) là chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, đưa ra các nội dung cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 43.

Theo quy định tại Nghị định 31, thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc, hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định nêu trên.

Đây là một giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, mang tính chất kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Giải pháp thực hiện theo hình thức cấp bù lãi suất, có tính chất đặc thù riêng so với các chính sách khác ở chỗ, dù xuất phát điểm là chính sách tài khóa do nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhưng không thực hiện cấp phát trực tiếp, mà thông qua hệ thống cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế thời gian qua cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, khiến cho việc triển khai còn chậm. Trong nội dung trao đổi gần đây, người đứng đầu ngành ngân hàng - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, kết quả triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất đạt thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khó có thể đánh giá thế nào là “có khả năng phục hồi”.

Có thể chuyển 24 nghìn tỷ đồng sang hỗ trợ thuế

Thực chất, những khó khăn vướng mắc được đề cập nêu trên không phải vấn đề mới, mà đã nảy sinh từ thời gian đầu khi các ngân hàng bắt tay triển khai chương trình.

Đây là chương trình hỗ trợ lãi suất có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên các ngân hàng thương mại khá thận trọng khi thực hiện với quan điểm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Theo đó, các ngân hàng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình.

Trong một cuộc họp giữa NHNN và các ngân hàng thương mại về gói 2% lãi suất, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, một trong những yêu cầu đề ra trong Nghị định 31 là việc hỗ trợ lãi suất chỉ thực hiện với khách hàng đã gặp khó khăn và “có khả năng phục hồi”. Tuy nhiên, việc đánh giá “khả năng phục hồi” là điều khó, bản thân ngân hàng có thể có quy định nội bộ để xác định, nhưng có thể mỗi ngân hàng có thể có cách đánh giá khác nhau. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sau này khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, quyết toán có thể cũng có quan điểm khác với các ngân hàng.

Ngoài ra, khó khăn của việc triển khai gói 2% lãi suất còn nằm ở chỗ việc tham gia là trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp, nên những doanh nghiệp dù đủ điều kiện nhưng họ không muốn tham gia. Theo đại diện một số ngân hàng, cũng có những trường hợp ngân hàng thậm chí đã đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, nhưng khách từ chối tham gia do tâm lý e ngại về quy trình thủ tục thanh kiểm tra về sau.

Trước thực trạng hiện nay, vừa qua lãnh đạo NHNN cũng cho biết, NHNN cũng đang trình Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 43, bỏ cụm từ “có khả năng phục hồi” để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này. Ngoài ra, NHNN đã đề xuất với Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội chuyển một phần nguồn này (ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng) sang phục vụ theo hình thức hỗ trợ khác là giảm thuế giá trị gia tăng.

Phương thức hỗ trợ lãi suất

Theo quy định tại Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong các phương thức sau:

1. Giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất.

2. Thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi. Trường hợp việc thu lãi vay trong kỳ thực hiện sau giờ làm việc của ngân hàng thương mại thì việc hoàn trả số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất có thể thực hiện vào ngày tiếp theo.