Thu ngân sách đảm bảo cho các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ và không thể tách rời. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Chính sách pháp luật tài chính ngày càng đồng bộ, khả thi, minh bạch
Chính sách tài khóa là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Chính phủ đã sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ chưa có trong tiền lệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Hôm qua, Hội đồng Tư vấn chính sách tài khóa, tiền tệ mới họp và đánh giá trong khoảng thời gian 4 - 5 năm qua, sự phối hợp giữa 2 chính sách tài khóa, tiền tệ đã được nâng lên 1 bước, đạt hiệu quả. Thời gian qua có những biến động lớn, khó dự báo, chúng ta vẫn điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo ổn định an ninh xã hội, an ninh quốc phòng và đảm bảo tăng trưởng kinh tế” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, nhờ chính sách tài khóa là bệ đỡ, vững vàng, chúng ta đã vượt qua được khó khăn, có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Bộ Tài chính đã thành công trong thực hiện các mục tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước. Theo đó, nợ công, nợ chính phủ được kiểm soát thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra, thu ngân sách đảm bảo cho các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đề xuất sửa nhiều luật thuế theo lộ trình

Tại cuộc họp báo, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có tiếp tục đề xuất chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.

Chính sách tài khóa là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế
Luật Thuế thu nhập cá nhân được đề xuất sửa đổi vào năm 2025.

Theo ông Trương Bá Tuấn, năm 2024, cơ quan quản lý đang khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023.

Các chính sách này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các doanh nghiệp và người dân.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách, từ đó có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - ông Trương Bá Tuấn cho hay.

Một vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận được đại diện một cơ quan báo chí đặt câu hỏi đó là việc liệu có cân nhắc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, quá trình thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho đến nay, mức giảm trừ gia cảnh đã luôn được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo đó, từ 1/1/2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Từ 1/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, năm 2024 Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi 3 luật thuế quan trọng đó là Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật Thuế TNCN được đề xuất sửa đổi vào năm 2025. Theo đó, đối với Luật Thuế TNCN, cùng với việc xem xét mức giảm trừ gia cảnh phù hợp thì cũng sẽ nghiên cứu các quy định khác như: ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh; các mức thuế suất lũy tiến từng phần và mức độ giãn cách giữa các mức thuế khi tính toán nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công…/.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách, từ đó có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - ông Trương Bá Tuấn cho hay.