Xăng dầu tăng 10%, lạm phát tăng 0,36%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,18% so với tháng 3 và nhích 2,09% so với tháng 12/2021, đồng thời tăng 2,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng năm 2021. Có tới 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá.

Nhìn nhận chỉ số CPI trong thời quan qua, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động do xung đột Nga - Ukraine; giá nhiều loại mặt hàng trên thị trường quốc tế tăng cao, Việt Nam đã kiểm soát mặt bằng giá cả khá tốt trong 4 tháng đầu năm 2022.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. Các quốc gia lớn cũng đang gặp khó khăn về lạm phát. Tháng 4 năm 2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,3% - mức cao nhất kể từ năm 1981; lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng ở mức cao kỷ lục 7,5%, hiện nay có 1/3 các nước thuộc EU có mức lạm phát từ 10% trở lên và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao.

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, dự báo áp lực lạm phát của nước ta trong những tháng còn lại của năm 2022 và cả năm 2023 vẫn rất lớn, chủ yếu do tác động từ giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nền kinh tế tăng cao. Hiện nay xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.

“Từ nay đến cuối năm 2022, giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Đặc biệt, xăng dầu sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70 - 75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước; sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới” - ông Nguyễn Bích Lâm phân tích.

Thúc đẩy tổng cung sẽ giảm áp lực lạm phát

Vấn đề giá xăng vượt ngưỡng 30.500 đồng/lít và tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 4% đã và đang được các Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế quan tâm bàn luận.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, yếu tố nguyên nhân tác động của giá thế giới và tình hình sản xuất kinh doanh trong nước phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu hiện nay, lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự kiến nằm trong khoảng 4 - 4,5%.

Để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trong đó, về phía Chính phủ, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Đảm bảo không thiếu nguồn cung xăng dầu

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thực tế, vẫn còn có công cụ để hạ nhiệt giá xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liên thông với giá xăng dầu thế giới, cho nên cơ quan chức năng phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Bộ Công thương đảm bảo không thiếu nguồn cung xăng dầu.

Về phía các bộ, ngành, Bộ Công thương và Bộ Tài chính tiếp tục minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên, vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát. Lạm phát hiện vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao. Trước áp lực giá xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm, nhằm hạn chế tác động đến lạm phát, các bộ, ngành chức năng cần kiểm soát, tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá. Đồng thời, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng "té nước theo mưa", tăng giá các mặt hàng bất hợp lý để trục lợi.