Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế đưa vùng động lực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững
Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Minh.
Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế đưa vùng động lực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững
TS. Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Đức Minh.

TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Nhiều lợi thế để trở thành động lực

Sứ mệnh của vùng động lực trước tiên là dẫn dắt sự phát triển của khu vực, sau đó là tạo ra sức cạnh tranh với quốc tế, khu vực; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo ra các chuỗi giá trị quốc tế.

Để định hướng được sự phát triển của một vùng động lực, cần xác định được lợi thế của các địa phương.

Vùng động lực phía Bắc với tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, lợi thế lớn nhất chính là có một hậu phương vững chắc.

Trước tiên là nhân lực dồi dào và chất lượng cao xuất phát từ 14 tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc. Tiếp đó là sự kết nối thông qua hành lang phát triển Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để tạo ra chuỗi kết nối thuận lợi của vùng động lực này với các tỉnh, thành phố cả phía Bắc lẫn trục giao thông Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, 3 địa phương nói trên có cơ sở hạ tầng đa dạng gồm sân bay, cảng biển, cửa khẩu… đều giữ vị trí quan trọng nhất trong cả nước. Cửa khẩu kết nối với Trung Quốc là một thị trường rộng lớn. Các tỉnh phía Bắc và 3 địa phương này đều nằm trên con đường dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu trong Chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây cũng là 3 địa phương luôn giữ thứ bậc “quán quân” về cải cách, nơi hình thành nên các mô hình phát triển và cải cách hàng đầu. Đây là một lợi thế rất quan trọng, động lực rất lớn để phát triển.

Cuối cùng, cả 3 địa phương đang có được áp dụng cơ chế đặc thù - cơ sở cho những cải cách quan trọng tiếp theo.

Đó là những lợi thế khiến cho Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có thể đảm nhiệm vai trò là động lực phát triển cho cả khu vực phía Bắc.

Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế đưa vùng động lực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững
TS. Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Đức Minh.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương: Phát triển “xanh” hiệu quả để thu hút vốn FDI

Để phát triển vùng động lực phía Bắc, có nhiều giải pháp có thể áp dụng.

Trước tiên, cần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn.

Những bài học, kinh nghiệm tốt trong sử dụng hiệu quả các nguồn vốn như Quảng Ninh thời gian qua cần được lan tỏa tới các địa phương khác.

Ngoài ra, cần coi khoa học công nghệ là động lực, là một trong những bước đột phá để có định hướng chi nhiều hơn, hiệu quả hơn, thay đổi cách huy động, cung cấp nguồn lực cho việc phát triển khoa học công nghệ.

Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội để chuyển đổi năng lượng hiệu quả bởi phát triển “xanh” đang là xu thế của thế giới. Qua quá trình thay đổi, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy cơ hội thay đổi, tận dụng các cơ hội phát sinh để phát triển hết dư địa cũng như năng lực đổi mới, sáng tạo của họ. Khi phát triển “xanh” hiệu quả mới thu hút được dòng vốn FDI hiệu quả. Đáp ứng được xu thế thì mới thu hút dòng vốn tốt, tận dụng được cơ hội.

Thu hút nhân tài cũng là một nội dung cần đổi mới sáng tạo, phải coi đó là giải pháp đột phá. Vùng động lực phía Bắc là nơi có nhân lực chất lượng cao, cần tiếp tục đổi mới về thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực bứt phá trong thời gian tới.

Tóm lại để thu hút được nguồn lực cho khu vực này, phải quan tâm chúng ta có gì, sử dụng hiệu quả thật đầy đủ nguồn lực, sau đó xác định những thiếu hụt để huy động nguồn lực bổ sung.

Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế đưa vùng động lực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững
TS. Nguyễn Như Quỳnh. Ảnh: Đức Minh.

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính): Chú trọng hiệu quả trong thu hút vốn

Cơ sở hạ tầng là nền tảng hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và vùng nói riêng.

Thời gian qua, Nhà nước đã tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 địa phương thuộc vùng động lực phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn và Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo, quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này.

Về huy động nguồn lực tài chính từ bên ngoài để phát triển vùng động lực phía Bắc, nên điều chỉnh từ việc thu hút FDI thiên về số lượng sang chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư gắn với các định hướng về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích thu hút các dự án đầu tư để hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành chuỗi giá trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về công nghệ, chuyển giao công nghệ, quy định về trình độ công nghệ dự án FDI.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá các lĩnh vực (giáo dục, đào tạo, y tế...) ở các địa bàn có lợi thế, dành phần kinh phí ngân sách hỗ trợ cho các vùng nghèo, khó khăn. Ngân sách nhà nước tiếp tục đảm bảo đối với các đơn vị sự nghiệp công không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp. Khuyến khích việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển sự nghiệp công.

Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế đưa vùng động lực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững
TS. Đỗ Minh Thụy. Ảnh: Đức Minh.

TS. Đỗ Minh Thụy - Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng: Khởi động việc tái cơ cấu kinh tế

Để các chính sách phát triển của vùng động lực phía Bắc dành cho các doanh nghiệp được vận hành hiệu quả, phát huy đầy đủ hiệu lực trong huy động và phân bổ các nguồn lực, môi trường kinh doanh (ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế...) đang được cải thiện và nâng cao chất lượng.

Khởi động việc tái cơ cấu kinh tế liên quan đến các doanh nghiệp là đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực phân bổ đến những nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn, đồng thời buộc các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải đổi mới cách thức sử dụng nguồn lực, cách thức quản lý, công nghệ... để nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.

Việc phân bổ lại các nguồn lực trong xã hội một cách hợp lý giúp các doanh nghiệp trong vùng có nhiều cơ hội tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, nguyên phụ liệu đầu vào rẻ hơn, tìm kiếm nhân lực chất lượng cao dễ dàng hơn, hưởng nhiều ưu đãi về thương mại, dịch vụ, đầu tư theo các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính thành công giúp doanh nghiệp dễ dàng gia nhập, rút lui khỏi thị trường, thuận lợi hóa kinh doanh, giúp phòng tránh và được bảo vệ tốt hơn nếu gặp rủi ro...

Chuyên gia, nhà khoa học hiến kế đưa vùng động lực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững
Ông Hong Sun. Ảnh: Đức Minh.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM): Tiếp tục duy trì sự ổn định để thu hút đầu tư

Nghị quyết số 138/NQ-CP quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu nhiều tiêu chí nhưng cũng phải đi kèm với cải cách. Cải cách phải thực tế, thực tiễn. Cải cách hành chính đồng thời phải cải cách giáo dục. Xây dựng hệ sinh thái số không phải chỉ đưa vào xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo mà còn phải cải cách giáo dục phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Các trường đại học nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa vào chương trình đào tạo của trường để nâng cao chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp hơn.

Chúng tôi có thể kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp của Hàn Quốc với các trường trong vấn đề này.

Đồng thời, sự ổn định của chính trị cũng là một yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam từ 30 năm nay vì Việt Nam rất ổn định về chính trị, rất an toàn nên các nhà đầu tư chúng tôi rất an tâm khi đầu tư tại đây.

Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định đó để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư về tài chính, chứng khoán, các quỹ tài chính vì với các công ty này, sự ổn định chính trị là yếu tố quan trọng để họ quyết định và yên tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, cần phát triển hệ sinh thái về tài chính. Chúng tôi mong muốn khung pháp lý tài chính hoàn thiện, đồng bộ để phát triển hệ sinh thái tài chính, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư.