Ngành Giao thông: Gỡ khó đưa 361 km cao tốc Bắc - Nam về đích năm 2022 Đề xuất đầu tư hơn 84.000 tỷ đồng cho 3 dự án cao tốc phía Nam Nhiều khó khăn cản tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam

Chuyển đổi 1.863,94 ha đất lâm nghiệp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội xác định nhu cầu sơ bộ sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha; giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình UBTVQH xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Qua quá trình lập, thẩm định hồ sơ, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng, để có cơ sở quyết định dự án đầu tư và triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ kiến nghị UBTVQH xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án.

- Diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha, bao gồm: 111,84 ha rừng phòng hộ, 4,45 ha rừng đặc dụng, 802,91 ha rừng sản xuất, 135,43 ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng (có nguồn gốc rừng phòng hộ 14,89 ha, từ rừng đặc dụng 0,22 ha, từ rừng sản xuất 120,32 ha).

- Diện tích đất lâm nghiệp 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha, đất rừng đặc dụng 4,61 ha, đất rừng sản xuất 1.721,23 ha.

- Diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên 1.721,96 ha.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng tại Nghị quyết số 44, Quốc hội không giao UBTVQH xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên tại Tờ trình số 248, Chính phủ đề nghị xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án, do đó đề nghị cân nhắc về nội dung này.

Theo Tờ trình số 248, Dự án đang ở bước Báo cáo nghiên cứu khả thi, sau khi tính toán, chính xác lại số liệu so với Nghị quyết số 44 thì đất lâm nghiệp cần chuyển đổi là 1.863,94 ha, bao gồm: đất rừng phòng hộ 138,10 ha (tăng 28,10 ha tương đương 25,5%), đất rừng sản xuất 1.721,23 ha (tăng 285,23 ha tương đương 20%); diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên là 1.537,23 (tăng 5,23 ha). Do đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân sự chênh lệch số liệu về chiếm dụng diện tích rừng, đất rừng và đất lúa giữa bước chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua và Tờ trình số 248 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án.

Quyết định sớm để đảm bảo tiến độ dự án

Về nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho biết, trong bước nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến chủ yếu được xác định trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 - 1/100.000, do đó số liệu được tính toán mang tính tương đối. Việc phân định khá chi tiết, chính xác hơn về các loại rừng, về đất rừng, đất trồng lúa và được cắm mốc tại thực địa, thống nhất với địa phương, các cơ quan liên quan là nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch số liệu giữa Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ, hướng tuyến của Dự án đã được lựa chọn phù hợp. Hướng tuyến đã điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí nhằm nâng cao hiệu quả, song việc điều chỉnh này cơ bản không thay đổi nhiều về số liệu chiếm dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án. Đồng thời, khu vực tuyến cao tốc đi qua chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên chỉ phân bố tại một số vị trí cục bộ, chiếm diện tích rất nhỏ (39,83 ha/1054,63 ha tổng diện tích rừng đề nghị thu hồi) và đây là khu vực bìa rừng nên chủ yếu là rừng tự nhiên có trữ lượng rừng ở mức nghèo kiệt.

Phiên họp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp sáng 11/7

Phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, với dự án này, Quốc hội đã tạo điều kiện tối đa để thủ tục nhanh gọn, tài chính khả thi, chỉ còn việc thu hồi đất thì mong được UBTVQH quyết định sớm để có thể phê duyệt dự án đầu tư. Chỉ sau một ngày được UBTVQH quyết định là dự án đầu tư sẽ được phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng bày tỏ mong muốn được giải quyết về thu hồi đất để cuối năm nay có thể hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án. Toàn bộ 12 dự án thành phần đã chuẩn bị sẵn sàng, bàn giao mặt bằng cho địa phương 100%, cần tranh thủ từng ngày từng giờ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Sau khi nghe các báo cáo, giải trình và thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra. 100% Ủy viên UBTVQH có mặt đã biểu quyết đồng ý ban hành nghị quyết, thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi chuyển đổi

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ tác động của việc thay đổi diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên đối với tổng mức đầu tư Dự án và phương án phát triển đất, trồng rừng, trồng lúa thay thế đối với phần diện tích cần chuyển đổi cho Dự án theo quy định pháp luật. Có ý kiến cho rằng diện tích đất trồng lúa hai vụ đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 1.573,23 ha, theo đó tổng số tiền phải nộp để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa của chủ đầu tư Dự án là khoảng 388 tỷ đồng, do vậy, đề nghị các cơ quan liên quan phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối với diện tích đất trồng lúa hai vụ. Có ý kiến đề nghị lưu ý không chuyển đổi đất rừng để lấy mỏ khai thác vật liệu cho Dự án.