Ngành “thời thượng”, hút học sinh

Hiện nay học nghề công nghệ thông tin có ở mọi cấp trình độ, từ hệ trung cấp tới hệ cao đẳng, hệ đại học. Ngành công nghệ thông tin thường phân chia thành 5 chuyên ngành phổ biến: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông, kỹ thuật phần mềm.

Vì vậy, học ngành công nghệ thông tin, sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, kiến thức cơ bản như mạng máy tính, hệ thống thông tin, lập trình, phần mềm… Bên cạnh đó, việc chau chuốt kỹ năng mềm cũng là một trong những điều tối quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới công việc sau này của một sinh viên công nghệ thông tin. Đây cũng là tiêu chí chọn trường học đối với những bạn muốn theo học ngành này.

Nguyễn Tuấn Kiệt (16 tuổi), hiện đang là học sinh năm nhất của lớp ứng dụng phần mềm, khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho hay, em đăng ký học nghề 9+ để vừa được học văn hóa vừa được học nghề. Hy vọng của em là có thể nâng bằng lên cao đẳng và tốt nghiệp ra trường trở thành một kỹ sư máy tính, đầu quân cho tập đoàn nước ngoài.

Thực tế, hiện nay ngành công nghệ thông tin là ngành “hot”, sáng tạo được nhiều bạn trẻ yêu thích. Thu nhập từ công việc này cũng khá cao.

Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho biết, hiện khoa công nghệ thông tin của trường năm nào cũng tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Sinh viên chưa tốt nghiệp đã được các công ty chào mời về làm việc. Thu nhập phổ biến từ 10-12 triệu đồng/tháng. Nhiều học sinh giỏi, ra trường được nhận vào làm ở vị trí quản lý, thu nhập cao hơn có thể từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Cơ hội việc làm cho lao động ngành công nghệ thông tin
Lao động học ngành công nghệ thông tin (Cao đẳng Cơ điện Hà Nội). Ảnh: QA

Nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao cho lao động

Ông Nguyễn Minh Liêm - Giám đốc Công ty TNHH INAMSOFT, một đơn vị đang phối hợp ký kết đào tạo, tuyển dụng lao động với trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, dù là công ty hay tập đoàn nước ngoài nào thì học sinh cũng phải nắm được những kiến thức cơ bản như: Cấu trúc dữ liệu, lập trình hướng đối tượng... là không thể thiếu. Điều này giúp các em có nền tảng vững chắc để bắt đầu làm việc.

Ngoài ra, ông Liêm cũng cho rằng học sinh cần có khả năng tự học, tiếp cận kiến thức mới, điều này sẽ giúp các em không bị lạc hậu, dễ dàng đáp ứng trong mọi công việc. Bên cạnh đó, giỏi ngoại ngữ (tiếng anh) là lợi thế giúp lao động trở thành công dân toàn cầu, có khả năng thích ứng với chuyển đổi số, chuyển đổi việc làm.

"Đặc biệt, dù giỏi toàn diện nhưng học sinh cần phải có đam mê, chỉ có vậy các em mới có thể tự tin, gắn bó lâu dài với công việc sau khi tốt nghiệp" - ông Liêm nói.

Đặc biệt, theo ông Liêm, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động làm ngành công nghệ thông tin rất cao. Hầu như doanh nghiệp nào cũng cần có đội ngũ làm công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được các công việc phức tạp, đòi hỏi cao của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thì lao động không chỉ cần có kỹ năng mà còn cần có sự sáng tạo, kinh nghiệm.

"Nếu kết hợp được những kỹ năng ấy, lao động có thể có những công việc chất lượng, nhận lương nghìn đô là chuyện bình thường"- ông Liêm nói.

"Qua Báo cáo về thị trường lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy một số ngành sẽ có nhu cầu phát triển mạnh trong thời gian tới là: Marketing, logistics, quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ thông tin… Cùng đó, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đang thiếu rất nhiều nhân sự, đặc biệt về điều dưỡng viên và người làm về dược"- Báo cáo của Bộ LĐTB&XH.