vinafor

Vinafor đạt những kết quả khả quan sau cổ phần hóa.

Kết quả này đã khẳng định việc CPH gắn với sắp xếp các công ty lâm nghiệp là chủ trương đúng đắn và đạt mục tiêu đề ra.

Ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Vinafor đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về một số kết quả sau 5 năm sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 118).

* PV: Được biết, Vinafor đã hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới theo NĐ 118, ông có thể cho biết tình hình hoạt động của tổng công ty sau CPH?

Khanh
Ông Lê Quốc Khánh

- Ông Lê Quốc Khánh: Là đơn vị đầu tiên CPH đồng thời công ty mẹ, gồm 5 chi nhánh theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, với thực hiện sắp xếp các công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước theo NĐ 118, nhưng với sự quyết tâm cao Vinafor đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới theo đúng các bước và nội dung quy định, đảm bảo công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường và đúng tiến độ đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.

Sau CPH, công ty mẹ Vinafor tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đổi mới các đơn vị thành viên trên cơ sở tập trung vào ngành nghề chính và theo phương án CPH được phê duyệt. Vinafor đã đầu tư vốn, giống mới có năng suất cao; trồng rừng thâm canh cao, kinh doanh rừng cây gỗ lớn, do đó năng suất và hiệu quả kinh tế từ rừng rất cao. Ngoài ra, Vinafor còn nâng cấp hệ thống quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (chứng nhận tiêu chuẩn rừng – PV), số hóa việc quản lý rừng và đất rừng, hoàn thành cơ bản việc đo đạc cắm mốc diện tích đất đang quản lý.

Cụ thể, hiện nay tổng công ty đang tích cực hoàn tất một số nội dung theo phương án CPH được duyệt như: đo đạc cắm mốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất giữ lại và niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán. Tổng công ty là doanh nghiệp (DN) CPH đã đủ điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Dự kiến tổng công ty sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trong tháng 9/2019.

Qua việc CPH cho thấy, so với trước khi CPH, giá trị vốn nhà nước đã tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng và hiện đã đạt trên 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị DN CPH đến thời điểm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tổng công ty cũng nộp thêm về nhà nước lợi nhuận khoảng 700 tỷ đồng. Tổng công ty quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn cổ đông, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ.

* PV: Việc chuyển đổi các mô hình mới là yếu tố quan trọng trong quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Để phù hợp với mô hình hoạt động mới, Vinafor đã có giải pháp gì, thưa ông?

- Ông Lê Quốc Khánh: Để phù hợp với mô hình hoạt động mới, Vinafor đã thực hiện sửa đổi điều lệ cho phù hợp với Nghị định 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành, sửa đổi, bổ sung và đưa vào áp dụng 22 quy chế, quy định nội bộ, trên các lĩnh vực hoạt động của tổng công ty...

Đối với việc thoái vốn, tái cơ cấu tại các đơn vị thành viên, theo phương án CPH, tổng công ty phải thực hiện thoái vốn tại 11 đơn vị. Trong quá trình thực hiện phương án CPH, tổng công ty mới chỉ thực hiện thoái vốn tại 3 đơn vị. Các đơn vị còn lại, khi chuyển sang công ty cổ phần cần có sự đồng thuận của cổ đông chiến lược, tuy nhiên đến nay cổ đông chiến lược chưa có ý kiến. Hiện tổng công ty đang rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tái cơ cấu của Vinafor giai đoạn 2019 – 2025 báo cáo cấp thẩm quyền cho ý kiến.

Đồng thời, theo phương án, các công ty TNHH MTV lâm nghiệp phải chuyển đổi thành chi nhánh của tổng công ty. Khi triển khai thực tế, tổng công ty mới thực hiện thí điểm chuyển đổi 1 công ty lâm nghiệp thành chi nhánh nhưng thấy rằng, việc giữ nguyên mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn phù hợp hơn so với việc chuyển đổi, do công tác quản lý đất đai lớn của các đơn vị cần có sự quan tâm ủng hộ giải quyết và phối hợp làm việc của chính quyền địa phương. Đặc biệt trong công tác thu hồi, chống lấn chiếm rừng, tổng công ty đã có các giải pháp để tăng cường và thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra và giám sát đối với các công ty TNHH MTV.

* PV: Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổng công ty sau sắp xếp, đổi mới trong thời gian tới, ông có kiến nghị gì?

- Ông Lê Quốc Khánh: Trong thời gian tới, Vinafor tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp đổi mới, tập trung thực hiện việc niêm yết cổ phiếu của tổng công ty theo quy định, đồng thời xem xét tham gia sắp xếp các công ty lâm nghiệp của các tỉnh theo NĐ 118 để mở rộng quy mô và quỹ đất trồng rừng sản xuất phục vụ chế biến sâu.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình sắp xếp, đổi mới trong thời gian tới, DN đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo hướng điều chỉnh hạn điền, thời gian giao/cho thuê đất lâu dài để khuyến khích DN phát triển lâm nghiệp bền vững; khuyến khích tích tụ đất đai và quy định chặt chẽ hơn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang các mục đính khác không tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Để bàn giao đất lâm nghiệp về địa phương được thuận lợi, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa đổi Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT theo hướng quy định hồ sơ thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường việc bàn giao về địa phương quản lý thực hiện theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng theo số liệu trên sổ sách…

* PV: Xin cảm ơn ông!

Công ty mẹ Vinafor chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/9/2016 với vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng, trong đó Nhà nước năm giữ 51% vốn điều lệ, cổ đông chiến lược - Công ty cổ phần Tập đoàn T&T chiếm 40% vốn điều lệ; ngành nghề kinh doanh chính là trồng rừng, quản lý, khai thác và chế biến các sản phẩm từ rừng trồng. Vinafor đang triển khai và đã phê duyệt kế hoạch bổ sung vốn cho các đơn vị lâm nghiệp khoảng 350 tỷ đồng cho giai đoạn 2017 – 2019 (trong đó đã bổ sung vốn năm 2017 khoảng 99,5 tỷ đồng, năm 2018 khoảng 51,3 tỷ đồng, kế hoạch trong năm 2019 khoảng 180 tỷ đồng).

Nam Khánh (thực hiện)