Cục Thuế Bình Định: Nhanh chóng gỡ vướng cho doanh nghiệp thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP
Sáng tạo quản lý thu ngân sách, Cục Thuế Bình Định lần đầu vượt mốc 13 nghìn tỷ đồng
Cục Thuế Bình Định rốt ráo hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Đổi mới về chất công tác quản lý thu thuế

Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, mọi hoạt động giao thương chủ yếu được thực hiện trên nền tảng số và không gian mạng khiến cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Thống kê cho thấy xét về quy mô, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với năm 2020, lên 13 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 con số này có thể tăng gấp 4 lần. Thêm vào đó tỷ lệ người dùng internet tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến năm qua đạt đến 88%.

Cục Thuế Bình Định: Lợi ích kép từ đẩy mạnh quản lý thuế thương mại điện tử
Cục Thuế Bình Định bên cạnh hỗ trợ người nộp thuế, đã đẩy mạnh thu thuế từ nền tảng kinh doanh số. Ảnh: TL.

Ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại ở nước ta nói chung và tại tỉnh Bình Định nói riêng đang phát triển rất mạnh mẽ, trước yếu tố xúc tác dịch bệnh thì quá trình này còn diễn ra nhanh hơn và trở thành xu thế tất yếu. Với sự phát triển đa dạng của công nghệ phụ trợ thì hoạt động này ngày càng được tối ưu hóa, khiến cho việc mua sắm trực tuyến trở nên an toàn, tiện lợi; điều này làm thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Đẩu, đứng trước tình hình mới, công tác quản lý thuế tại Bình Định thời gian qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, thay cho quản lý thủ công đã dần lạc hậu, chỉ quan sát không gian thực, hạn chế cơ sở để đấu tranh quản lý thu.

Đây cũng là một trong những “bí quyết” để Cục Thuế Bình Định có những thành công, bứt phá trong công tác thu thuế năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2021, nhờ nhiều sáng tạo trong quản lý thu thuế, trong đó có thúc đẩy tăng thu từ thương mại điện tử, Cục Thuế Bình Định lần đầu tiên “cán mốc” thu ngân sách vượt 13 nghìn tỷ đồng.

Cái được lớn hơn có thể gọi là “lợi ích kép” thông qua thúc đẩy thu thuế từ kinh doanh số, hoạt động thương mại điện tử, theo ông Nguyễn Đẩu đó là, không chỉ tăng thu ngân sách, tạo nếp quản lý đối với lĩnh vực này (theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định tại Chỉ thị số 09/CT-UBND) mà còn góp phần xây dựng phương thức quản lý thuế hiện đại, lan tỏa đến các lĩnh vực khác, hình thành nhiều kỹ năng mới để bao quát tất cả các hoạt động, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của ngành.

Phát hiện hơn 1.700 tỷ đồng giao dịch để tính thuế

Qua rà soát trên không gian mạng và phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, Cục Thuế tỉnh mà trực tiếp là Tổ thương mại điện tử đã nhận diện được nhiều loại hình kinh doanh số, kinh doanh thương mại điện tử cũng như cách thức khai thác dữ liệu về hoạt động kinh doanh của các tổ chức cá nhân, hộ kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo đó, tổ này đã chuyển từng trường hợp đến các chi cục thuế để quản lý thu thuế với các thông tin cụ thể về hoạt động kinh doanh, đăng ký thuế, bảng sao kê các giao dịch và các điểm cần lưu ý.

Số liệu cập nhật mới đây từ Cục Thuế Bình Định cho thấy, lũy kế từ tháng 7/2021 đến 20/2/2022 đã chuyển 159 trường hợp với tổng số tiền giao dịch phát sinh là 1.706 tỷ đồng, khả năng thuế phát sinh là 27,5 tỷ đồng.

Đã có nhiều “điểm sáng” là các chi cục thuế thành công trong thực hiện đẩy mạnh quản lý thu đối với lĩnh vực thương mại điện tử thời gian qua, như các chi cục thuế: thị xã An Nhơn, khu vực Hoài Nhơn - Hoài Ân - An Lão và khu vực Tuy Phước - Vân Canh. Trong cách thức triển khai có sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng và khâu xử lý cũng linh hoạt, phù hợp đã đem lại kết quả bước đầu hết sức thuận lợi, các cá nhân kinh doanh đã kê khai, nộp thuế và ý thức được nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.

Mặc dù vậy, Cục Thuế tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra, trong triển khai thực hiện, vẫn có đơn vị còn chậm, các khâu tổ chức còn lúng túng, thiếu chặt chẽ và chưa cho thấy sự hiệu quả.

Nhận thức đây là đây là là chủ trương lớn của tỉnh, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2022, ông Nguyễn Đẩu cho rằng, Cục Thuế Bình Định tiếp tục kiên định các mục tiêu đã đề ra, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý thuế kinh doanh số, kinh doanh thương mại điện tử trong thời gian tới. Trong đó, cơ quan thuế phải xác định cần đổi mới tư duy, chủ động tìm hiểu, nắm chắc các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn để quản lý, từ cách thức tổ chức hoạt động, vận hành của từng ngành, nghề đến các thông tin về kho hàng, xưởng sản xuất, nuôi trồng, chế biến, các đối tác, khách hàng... của từng hộ kinh doanh.

Được biết, mới đây, Cục Thuế Bình Định đã có cuộc họp bàn về giải pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh số, kinh doanh thương mại điện tử. Một bản kết luận cụ thể về cuộc họp với nhiều chỉ đạo cụ thể từ người đứng đầu Cục thuế, nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa.

Với những lỗ hổng về mặt pháp lý, Cục Thuế tỉnh sẽ tổng hợp đề xuất Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung. Cục Thuế tỉnh mở chuyên mục “Quản lý kinh doanh số, thương mại điện tử”; phát hành tờ rơi, xuất bản cẩm nang… vừa hỗ trợ người nộp thuế, vừa công khai các cá nhân chấp hành thuế tốt để nêu gương, cũng như tiếp nhận phản ánh các sai phạm…

Đồng thời, cục thuế đã có hướng dẫn hết sức chi tiết, cụ thể liên quan đến nghiệp vụ quản lý thu; kèm theo đó là chỉ tiêu phấn đấu thi đua, theo dõi, giám sát các đơn vị trong triển khai thực hiện. Đây được cho là cơ sở vững chắc, để Cục Thuế Bình Định đạt được mục tiêu đề ra trong quản lý thu thuế lĩnh vực kinh doanh số và thương mại điện tử nói riêng và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022 nói chung./.