Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

PV: Thưa ông, theo đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và trình Quốc hội xem xét, được kỳ vọng sẽ là khu đô thị biển - đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển… Nếu đề án được thông qua thì tỉnh Quảng Ninh cần phải chú trọng điều gì thưa ông?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Các đề án xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu): Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), với mục tiêu xây dựng mô hình hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh; khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút đầu tư, hình thành mô hình động lực mới thúc đẩy phát triển đột phá về kinh tế đối với các địa phương, các vùng và cả nước…

Tôi được biết, Quảng Ninh là một trong những địa phương rất tích cực và chủ động trong việc xây dựng dự án này.

Đặc khu Vân Đồn sẽ trở thành trung tâm kinh tế năng động
Tôi được biết, trong các đề án xây dựng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thì Quảng Ninh là một trong những địa phương rất tích cực và chủ động. PGS.TS Hoàng Văn Cường

Theo đề án, dự kiến đến năm 2030, Vân Đồn cần 270 ngàn tỷ đồng đầu tư; một nửa huy động trong nước và một nửa huy động vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, cơ chế thu hút đầu tư của Vân Đồn phải rất thông thoáng và thuận lợi để mời gọi và giữ chân được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Là một đặc khu thì nguồn nhân lực phải đáp ứng tiêu chuẩn lao động quốc tế. Do vậy, Vân Đồn cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay trong giai đoạn 2017 - 2020 để đạt được mục tiêu 70% lao động được qua đào tạo, trong đó 100% cán bộ quản lý hành chính qua đào tạo đại học trở lên.

Cùng với việc cử cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở nước ngoài, tăng cường kỹ năng tin học, ngoại ngữ, trình độ lý luận chính trị thì việc đào tạo nghề cho lao động trẻ, lao động nông thôn trên địa bàn huyện cũng cần đặc biệt quan tâm để có bước chuyển về chất lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển.

PV: Thưa ông, trên thế giới cũng có rất nhiều nước đã xây dựng và thành công với mô hình đặc khu kinh tế. Với Việt Nam nói chung và đặc khu Vân Đồn nói riêng, liệu có thể thực hiện hiệu quả không, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Các đặc khu kinh tế trên thế giới đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, với sự hình thành các “Cảng tự do” đầu tiên ở Ý vào năm 1547 và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18. Mô hình cảng tự do sau đó được mở rộng trên phạm vi một vùng lãnh thổ trở thành khu mậu dịch tự do như Singapore (1819), Hồng Kông (1842).

Số lượng các đặc khu kinh tế tăng nhanh qua từng thời kỳ, từ 9 khu tại 9 nước vào những năm 60, đến 111 khu tại 40 nước vào cuối những năm 80 và tới năm 2008 đã có trên 3.000 khu tại trên 135 quốc gia. Đến năm 2015 đã có khoảng 4.500 khu tại 140 quốc gia, trong đó có nhiều nước đang phát triển.

Sự phát triển của các đặc khu góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp. Thành công của các nước đã được chứng minh qua các thời kỳ, điều đó cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm của họ trong việc xây dựng các đặc khu cho mình.

PV: Ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển và quản lý đặc khu kinh tế và các mô hình tương tự khác?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Thực tế, tại các quốc gia thành công cho thấy, đặc khu góp phần cải cách mạnh mẽ chế độ phát triển kinh tế của quốc gia, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước; biến những vùng đất trước đó lạc hậu, kém phát triển thành những khu vực văn minh, hiện đại, giàu có, năng động.

Chúng ta có thể điểm qua một vài đặc khu của các quốc gia để thấy kinh nghiệm của họ trong phát triển đặc khu kinh tế như: Đặc khu hành chính Hồng Kông là vùng lãnh thổ tập trung phát triển kinh tế dịch vụ, đặc biệt là cảng biển, tài chính, ngân hàng, được đánh giá là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới.

Đây cũng là trung tâm tài chính, thương mại quan trọng, tập trung nhiều đại bản doanh công ty của khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, là trung tâm đô thị giàu có nhất ở Trung Quốc. Chính quyền Hồng Kông nhường quyền điều khiển thị trường cho các lực lượng thị trường và khu vực tư nhân. Hồng Kông được xếp hạng nhất thế giới về tự do kinh tế trong 13 năm liên tục, kể từ khi bắt đầu có chỉ số này vào năm 1995.

g
Nhà ga hành khách sân bay Vân Đồn đang được gấp rút xây dựng. Ảnh: Huy Khánh

Thứ hai là Thâm Quyến. Tháng 8/1980, Thâm Quyến chính thức được công nhận là đặc khu kinh tế. Đây là bước ngoặt đưa làng chài nghèo khó thành siêu đô thị hiện đại với những tòa nhà chọc trời như Trung tâm tài chính cao cấp Ping An (tòa nhà cao thứ 4 trên thế giới - 599m) và tòa nhà Kingkey 100 (tòa nhà cao thứ 14 trên thế giới - 442m). GDP năm 2016 của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD GDP bình quân đầu người là 25.790USD.

Tại khu vực, các quốc gia ASEAN gần đây cũng đẩy mạnh xây dựng đặc khu kinh tế với các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn các khu vực trong nước để thu hút đầu tư nước ngoài.

Mới đây là Thái Lan bắt đầu thí điểm triển khai xây dựng 5 đặc khu kinh tế vào năm 2014 và phát triển thêm 5 đặc khu kinh tế khác vào cuối năm 2016 ở các khu vực cửa khẩu biên giới nhằm tạo ra các động lực phát triển kinh tế vùng và phát triển một số ngành, lĩnh vực then chốt.

PV: Vậy theo ông, đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước như thế nào?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Đặc khu hành chính – kinh tế là nơi thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (bao gồm cả cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật) phục vụ cho các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn.

Với các cơ chế đặc thù ưu đãi và tự quyết cao, đặc khu phát triển thành công sẽ tạo nên một khu vực động lực kinh tế tầm vóc quốc gia và quốc tế, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, kinh doanh dịch vụ và du lịch đẳng cấp quốc tế.

Với những cơ chế đặc thù, thông thoáng, đặc khu sẽ tạo sức hút và niềm tin của nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh của đặc khu nói riêng, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế đất nước nói chung.

Đặc khu đi vào hoạt động và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẽ có tác động lan toả tích cực rất lớn, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hay cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho đặc khu; hỗ trợ các ngành kinh tế còn yếu và thiếu; đặc biệt là đặc khu sẽ trở thành một động lực để kéo theo các vùng kinh tế lân cận khác phát triển.

Với các thành quả đó, các đặc khu thành công đồng nghĩa với việc đời sống của người dân trong vùng có sự chuyển biến tích cực; người dân có đời sống cao hơn gắn liền với việc nâng cao lòng tin tưởng và ổn định trật tự xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huy Phong