Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp nộp thuế bổ sung

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần thiết ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Nghị quyết đã thể hiện đầy đủ căn cứ thực tế và một số vấn đề mang tính xu thế của các quốc gia về vấn đề áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Đại biểu Quốc hội: Cơ hội tăng thu ngân sách khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xác định quyền đánh thuế và mang lại lợi ích cho đất nước

Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là khoản thuế mới, chưa được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, vì vậy việc ban hành chính sách bổ sung là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, mang lại cơ hội mới như tăng thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung.

Đại biểu nhất trí với quan điểm chủ động ủng hộ và áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp thuế, bổ sung thuế tại Việt Nam.

Góp ý cụ thể hơn, theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, tại khoản 4 Điều 6 của dự thảo Nghị quyết quy định: phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định.

Tuy nhiên, khoản 8 Điều 6 dự thảo Nghị quyết lại quy định số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đã nộp theo quy định tại Nghị quyết này có thể được bù trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam tương ứng với phần thu nhập nhận được do đầu tư ở nước ngoài.

Đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung này, vì theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì phần thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài được xác định là thu nhập khác, người nộp thuế có trách nhiệm phải kê khai, nộp thuế theo quy định. Vậy nếu quy định khác nhau ở các khoản này sẽ gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến việc thu ngân sách ở địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và có quy định phù hợp về nội dung này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ khi đưa nghị quyết vào kỳ họp này. Theo đại biểu, một số nội dung hiện nay, các quốc gia vẫn còn tranh luận, nên Chính phủ cần theo dõi, cập nhật, rút kinh nghiệm từ các nước để thực hiện.

Trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, từ khi có Luật, Việt Nam đã là điểm đến thu hút các nhà đầu tư, từ thứ hạng 121 những năm đầu đổi mới đến nay chúng ta đã đứng vị trí 25. Hiện có 38 nghìn dự án đang hoạt động, khu vực này đã đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế- xã hội nước ta.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, tránh thuế vẫn diễn ra lớn từ khu vực FDI. Số doanh nghiệp FDI lỗ rất lớn, nhưng tăng doanh thu. Từ thực tiễn đó, rất cần thiết thông qua nghị quyết này.

Bởi theo đại biểu, “áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu giúp môi trường thu hút đầu tư nước ngoài đảm bảo công bằng, minh bạch”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta được nhiều khi thực hiện nghị quyết này. “Chúng ta được nhiều, cụ thể như: đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; thu được thuế; đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; thể hiện sự tiến bộ, minh bạch trong quản lý thuế; giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp không thuộc diện thu thuế tối thiểu toàn cầu” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Cần đánh giá tác động toàn diện của chính sách

Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá thận trọng thực tiễn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của các nước trên thế giới.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đồng tình với tầm quan trọng phải trình Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết. Tuy nhiên, đây là nội dung có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, trong đó có môi trường đầu tư từ nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội: Cơ hội tăng thu ngân sách khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu
Việc ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp triển khai Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Cùng đồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhất trí cao ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên, theo đại biểu, Chính phủ cần có đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện chính sách này. Đại biểu nhấn mạnh, việc sớm thực hiện Nghị quyết, chúng ta sẽ thu được tới 14.600 tỷ đồng tiền thuế bổ sung. Đồng thời việc ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

Đồng tình với một số ý kiến phát biểu trước đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị, song song với việc ban hành Nghị quyết này, chúng ta cần nhìn trước các rủi ro, có thể thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư FDI thì chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ bổ sung.

Bên cạnh việc cần sớm đánh giá toàn diện tác động, Chính phủ cũng nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ. Trong đó, nên nhấn mạnh chính sách phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ, bởi vì công nghiệp hỗ trợ chính là điều giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn thay vì hiện nay là các giá trị xuất khẩu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xác định quyền đánh thuế và mang lại lợi ích cho đất nước

Cơ bản Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ, nên chỉ có 9 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.

Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, khi ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế và mang lại lợi ích cho đất nước. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn chủ động để sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu của quốc tế, thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Lý giải vì sao nộp thuế đưa về ngân sách trung ương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán ngân sách hàng năm và 3 năm đã được Quốc hội thông qua đã quy định tỷ lệ điều tiết, nên việc nộp vào ngân sách trung ương không ảnh hưởng đến ngân sách địa phương.

Về thuế nhà đầu tư nước ngoài nộp qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài hiện nay, Bộ Tài chính đang thu nộp theo tỷ lệ vào ngân sách trung ương.

Về giao Tổng cục Thuế chỉ định đơn vị nộp thuế, Bộ trưởng cho biết, đầu tiên phải ưu tiên cho các doanh nghiệp, công ty mẹ chỉ định và khi họ không chỉ định được thì nước ta chỉ định là biện pháp cuối cùng để thực hiện theo đúng quy định của Luật...