Bội chi ngân sách năm 2022 dự kiến 4% GDP
Địa phương chỉ được phép bội chi khi đáp ứng đủ các quy định
Nợ công dự kiến tăng nhưng vẫn an toàn

Điều chỉnh tăng bội chi vẫn trong ngưỡng an toàn

Theo đại biểu Quốc hội (ĐB) Hà Đức Minh (Lào Cai), hiện nay đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng bội chi, tạo nguồn thực hiện mục tiêu kép
Đại biểu Hà Đức Minh đề nghị tăng bội chi, tạo nguồn thực hiện mục tiêu kép. Ảnh: TL.

“Do vậy, theo tôi cần đánh giá căn cơ tổng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế như thế nào để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước để từ đó, đưa ra các gói kích thích kinh tế đủ lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được các mục tiêu”, ĐB Hà Đức Minh đề xuất.

ĐB cho rằng, thời gian tới công tác triển khai mục tiêu kép cần có 5 mục tiêu cần đạt được, đó là linh hoạt các phương án phòng, chống và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị cho hệ thống y tế; bảo đảm việc làm cho người dân và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa, giãn cách; xây dựng lại một cấu trúc kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa; tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, ĐB Hà Đức Minh nhấn mạnh yếu tố nguồn lực là tiên quyết. Bởi vì theo ĐB, nền kinh tế của chúng ta đang phải chịu tác động rất lớn bởi sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ cuối tháng 4/2021. Năng lực chống chịu của nền kinh tế thì có hạn, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì cú sốc đối với tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế sẽ rất khó lường trong thời gian tới.

“Vì vậy, ngoài các nguồn lực hiện nay, tôi đề xuất có thể tăng thêm mức bội chi ngân sách. Hiện nay, bội chi năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP; dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ đồng cũng bằng khoảng 4%GDP. Trong khi đó tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với Trung ương giao. Như vậy dư địa bội chi theo luật còn khoảng ít nhất là 153 nghìn tỷ đồng”, ĐB Hà Đức Minh nêu quan điểm.

Ngoài ra, ĐB cũng đề nghị có thể nới trần nợ công. Hiện nay, trần nợ công của nước ta quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ mới đạt khoảng 44-45% GDP. Như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân...

Cẩn trọng tăng trần nợ công

Bấm nút tranh luận, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc nới mức trần nợ công để hỗ trợ kinh tế sẽ khiến quy mô dư nợ đến 2025 tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro lớn cho an ninh tài chính.

ĐB phân tích thêm, nếu nhìn vào tỷ lệ nợ công trên GDP, quy mô 44% có thể thấp, nhưng con số này đạt được chủ yếu là do việc điều chỉnh lại số liệu GDP tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng. "Tỷ số nhìn có vẻ thấp nhưng là vấn đề cần hết sức quan tâm. Mức trả nợ lãi và gốc hiện nay đã xấp xỉ 25%, là nội dung cần hết sức lưu tâm về an ninh tài chính quốc gia”, ĐB Nguyễn Hữu Toàn nói.

Theo ĐB, trong giai đoạn 10 năm gần đây, quy mô nợ công cũng tăng liên tục. Tốc độ tăng nợ bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 18,1%, trong nhiệm kỳ 5 năm gần nhất, mức tăng rút xuống còn hơn 6,5%. Nếu căn cứ theo mục tiêu tăng nợ trung bình khoảng 11% cho nhiệm kỳ này, quy mô nợ công có thể đạt 6,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025.

"Đây là vấn đề cần hết sức thận trọng. Chúng ta cần có chương trình phục hồi kinh tế nhưng cần tính toán dư địa chính sách, tránh rủi ro", ĐB Nguyễn Hữu Toàn nói thêm./.

Đề nghị hỗ trợ 100 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp tăng tốc

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. Theo ĐB, hiện nay chúng ta đã chi hơn 100.000 tỷ đồng, dự kiến còn 100.000 tỷ đồng, thiếu 100.000 tỷ đồng. Số tiền này có thể có sẵn đó là số tiền trong đầu tư công mà chúng ta chưa dùng hết do điều kiện không cho phép để thực hiện.

ĐB kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch. Điều này, sẽ giúp các doanh nghiệp "tăng tốc" trong thời gian tới.