Nguồn: Ngân hàng Thế giới Đồ họa: Hồng Vân

Nguồn: Ngân hàng Thế giới. Đồ họa: Hồng Vân

Mức nợ công ở Việt Nam vẫn bền vững, an toàn và diễn biến của nợ công hiện cũng rất lành mạnh.

Ngân sách, tài khóa được quản lý tốt

Phân tích về những diễn biến tài khóa của Việt Nam thời gian qua, trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam mới công bố gần đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sau khi theo đuổi chính sách tài khóa nới lỏng trong nửa cuối năm 2020 nhằm kích thích khôi phục kinh tế, Việt Nam đã quay lại với chính sách tài khóa trung lập trong nửa đầu năm 2021. Cơ quan chức năng đã đẩy mạnh nỗ lực thu kết hợp với giảm chi, nhất là chi đầu tư. Cùng lúc đó, Chính phủ vay 141,5 ngàn tỷ đồng (2,2% GDP) trên thị trường nội địa trong 6 tháng đầu năm, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm trước. Tăng vay trong nước phản ánh kế hoạch của Chính phủ biến thị trường trong nước thành nguồn huy động vốn vay chính và việc tận dụng lợi thế thanh khoản đang dồi dào và chi phí vay vốn đang ở mức tương đối thấp.

Căn cứ vào tình hình kinh tế xấu đi do đại dịch bùng phát trở lại, các cấp có thẩm quyền đã can thiệp theo cách tiếp cận có mục tiêu và đan xen để hỗ trợ nền kinh tế. Về chính sách thu, các cấp có thẩm quyền công bố gói ưu đãi thuế tập trung hơn vào tháng 4/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này tiếp tục thực hiện một chính sách đã rất thành công trong năm 2020, đó là cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đến cuối năm dương lịch, để doanh nghiệp có thêm vốn lưu động trong thời gian khủng hoảng. Gói này ước tính trị giá 1,9% GDP, bằng một nửa quy mô gói hỗ trợ năm 2020. Chính sách hỗ trợ này từng được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, với tổng số thuế được gia hạn đạt 87.232 tỷ đồng (3,8 tỷ USD) trong năm 2020 và cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách nhà nước, vì hoãn nộp thuế chỉ là biện pháp tạm thời và cuối cùng các doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế vào cuối năm.

Cùng lúc đó, trong tháng 7, Chính phủ đã phê duyệt gói hỗ trợ xã hội lần thứ hai cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Gói đảm bảo xã hội này ước tính có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) được hoan nghênh khi tổn thất tài chính và xã hội của đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay đang tăng cao. Theo WB, nếu gói hỗ trợ này được triển khai thực hiện thành công và hỗ trợ thêm vẫn được cho là cần thiết, thì các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc tăng quy mô hỗ trợ.

Nợ công không phải là vấn đề đáng lo ngại

Trả lời câu hỏi của phóng viên TBTCVN về vấn đề an toàn nợ công của Việt Nam trong năm 2021, bà Dorsati Madani- chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Việt Nam cho biết, về mặt tài khoá, trong nửa đầu năm đến nay, ngân sách trung hòa cân bằng, thậm chí là còn thặng dư. Điều đó cho thấy, Chính phủ đã làm rất tốt trong việc thực hành thu ngân sách. Đồng thời về chi ngân sách, Việt Nam vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư công tuy chưa được triển khai một cách tích cực nhưng Chính phủ cũng đang có những giải pháp thúc đẩy các chính sách tài khóa và cố gắng thúc đẩy kế hoạch đầu tư công cũng như những khoản chi đầu tư phát triển. Theo bà Dorsati, đây là một động thái rất tốt vì nó hỗ trợ cho tổng cầu trong nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng giống như trong năm ngoái và bày tỏ hy vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục thành công trong năm nay.

“Với tất cả những hạn chế do phải giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, việc triển khai những kế hoạch đầu tư sẽ khó khăn thách thức hơn, hy vọng rằng trong quý IV/2021, khi dịch bệnh được kiểm soát thì quá trình triển khai sẽ giúp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn và tổng cầu trong thời gian tới”- bà Dorsati nhấn mạnh.

Theo kịch bản cơ sở của WB, bội chi ngân sách của Việt Nam dự kiến tăng từ 4,9% GDP năm 2020 lên 6% năm 2021, dẫn đến nợ công tăng khoảng 3% GDP. Về việc nợ công của Việt Nam có sự gia tăng, bà Dorsati cho rằng, nợ công đã tăng một chút nhưng điều đó là bình thường.

Bà khẳng định: “Ở hoàn cảnh dịch Covid như hiện nay, bất cứ quốc gia nào trên toàn cầu mà chúng tôi nghiên cứu đều có hiện tượng như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng, mức nợ công ở Việt Nam rất bền vững, an toàn, ở dưới mức ngưỡng mà Quốc hội đã thông qua. Diễn biến của nợ công cũng rất lành mạnh. Chính phủ đã có những quyết định mang tính chiến lược để kéo dài thời hạn những khoản vay, tiếp tục chuyển sang vay trong nước nhiều hơn. Điều đó làm cho tình hình nợ công bền vững hơn”.

Chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi năm 2021

Theo WB, khi nền kinh tế thoát khỏi đợt dịch lần thứ tư, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước thông qua các biện pháp có lựa chọn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cân đối ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến sẽ xấu đi trong năm 2021. Gói hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình lần hai chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng nếu triển khai sẽ tương đương khoảng 0,5% GDP. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh vẫn trong phạm vi ngân sách. Chính sách tiền tệ vẫn tạo thuận lợi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Lạm phát vẫn ở mức vừa phải.

Thảo Miên