Ngày 25/04 tại TP. Hồ Chí Minh, Sacombank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm tài chính 2024. Đại hội thống nhất thông qua nhiều nội dung quan trọng như: báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và định hướng, mục tiêu năm 2025; phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2025; tờ trình chủ trương tăng vốn điều lệ; tờ trình chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán…
Mục tiêu tăng trưởng hai chữ số, mở rộng hệ sinh thái
Kế hoạch kinh doanh của Sacombank năm 2025 được công bố với các chỉ tiêu tăng trưởng khả quan từ 10 - 15%. Theo đó, tổng tài sản dự kiến tăng 10%, đạt 819.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng sẽ tăng 14%, lên 614.400 tỷ đồng và sẽ điều chỉnh theo hạn mức phân bổ.
Nguồn vốn huy động dự kiến tăng 9%, đạt 736.300 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024.
![]() |
Đồ hoạ: Ánh Tuyết. |
Ngân hàng xây dựng danh mục tín dụng là đảm bảo tối ưu giữa hiệu quả hoạt động và kiểm soát rủi ro. Chiến lược tăng trưởng tín dụng của ngân hàng luôn gắn liền với quản trị an toàn vốn và ưu tiên cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết yếu như: nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến và sản xuất...
Theo Sacombank, đây là năm đầu tiên sau 9 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông trong bối cảnh ngân hàng gặt hái được nhiều thành quả tích cực.
Tái cơ cấu về đích, "mở khoá" chia cổ tức và tăng vốn Về vấn đề chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tờ trình nêu rõ, sau khi được NHNN chấp thuận, Hội đồng Quản trị sẽ xây dựng phương án chi tiết và lấy ý kiến cổ đông trước khi triển khai. Hiện lợi nhuận hợp nhất giữ lại chưa phân phối của Sacombank lũy kế lên tới 25.352 tỷ đồng. Sacombank sẵn sàng cả về trách nhiệm và nghĩa vụ, kỳ vọng sẽ được phê duyệt tái cơ cấu thành công trong năm nay, mở đường cho các chiến lược phát triển quy mô và đột phá hơn. |
Thông tin từ Sacombank cho thấy, ngân hàng đã xử lý thêm 76.695 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án, giảm tỷ trọng của hạng mục này trong tổng tài sản xuống còn 2,4%.
Đặc biệt, Sacombank hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc Đề án và trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ tồn đọng còn lại chưa xử lý.
Đáng chú ý, trong tài liệu công bố trước đó, Sacombank từng dự kiến tiếp tục không chia cổ tức năm thứ 11 liên tiếp, với kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận lũy kế 25.352 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó Sacombank bổ sung một số tờ trình mới, trong đó đề xuất phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, nhằm mục tiêu tăng vốn điều lệ sau 10 năm duy trì ở mức 18.852 tỷ đồng.
Sacombank cũng trình phương án dự kiến đầu tư tối đa 1.500 tỷ đồng để góp vốn hoặc mua cổ phần tại một công ty chứng khoán, với tỷ lệ sở hữu vượt 50%, đưa công ty chứng khoán trở thành công ty con của ngân hàng, nhằm mở rộng hệ sinh thái và đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính toàn diện của khách hàng.
Duy trì đà tăng trưởng ấn tượng dù chưa tăng vốn gần một thập kỷ
Tại đại hội Sacombank, cổ đông quan tâm đến nhiều vấn đề quan trọng như việc xử lý cổ phần của ông Trầm Bê, thông tin về khoản nợ đang được thế chấp tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); xử lý các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú.
Bên cạnh đó, cổ đông cũng quan tâm về chiến lược huy động vốn; khả năng xử lý nợ xấu; kế hoạch mua công ty chứng khoán và tình hình kinh doanh trong quý I của Sacombank.
Liên quan đến việc xử lý các khoản nợ đảm bảo bằng cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ NHNN. Ngân hàng trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022.
Về phương án mua lại công ty chứng khoán, theo lãnh đạo Sacombank, ngân hàng không có kế hoạch mua lại Công ty chứng khoán SBS, thay vào đó, sẽ lựa chọn những công ty chứng khoán có chất lượng tốt, sở hữu dịch vụ phù hợp nhằm phục vụ chiến lược phát triển trong lĩnh vực đầu tư.
![]() |
Chủ tọa đoàn Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2024 của Sacombank. Ảnh: Sacombank. |
Trước đó, dù bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, Sacombank hoàn thành khá toàn diện kế hoạch đặt ra nhờ bám sát chính sách tiền tệ của NHNN, chuyển đổi số hiệu quả, đón đầu sự dịch chuyển các xu hướng sản xuất và tiêu dùng.
Những thành quả ấn tượng này được Sacombank kiến tạo trong điều kiện chưa được tăng vốn điều lệ kể từ năm 2016, một yếu tố đang giới hạn quy mô và năng lực cạnh tranh của Sacombank. Việc ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho thấy khả năng vận hành linh hoạt, khai thác tối đa nguồn lực hiện hữu và quản trị rủi ro chặt chẽ. |
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng đạt 11,7%, nâng tổng dư nợ chạm mốc 539.315 tỷ đồng, chiếm 3,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tổng nguồn vốn huy động tăng mạnh 16,7% vượt 106% kế hoạch. Trong đó, huy động từ thị trường 1 chiếm tỷ trọng cao (85,6%), riêng CASA tăng 9,3%, giúp Sacombank duy trì nguồn vốn ổn định và chi phí vốn cạnh tranh. Tỷ lệ ROA, ROE tăng ổn định, lần lượt đạt 1,42% và 20,03%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức 2,08%, giảm nhẹ so với đầu năm. Các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động tuân thủ đúng theo quy định của NHNN. Đáng chú ý, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 10,14% - cao hơn đáng kể so với mức 8% theo quy định, cho thấy Sacombank vẫn duy trì được biên độ tài chính an toàn.
Với phương châm chuyển đổi - hiệu quả - bền vững, Sacombank tiếp tục số hóa toàn diện, đặc biệt là ứng dụng AI để nâng cao năng suất lao động và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Ngân hàng đồng thời kiểm soát chi phí hiệu quả, tối ưu hóa mô hình vận hành, phát triển hệ sinh thái đối tác, nhất là đối tác công nghệ và triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ độc đáo, thu hút và tăng trưởng mạnh mẽ quy mô khách hàng./.