Đảm bảo và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính

Xây dựng nền tài chính quốc gia bền vững

PV: Để tiếp tục cho sự chuyển biến mạnh mẽ hơn của ngành Tài chính trong giai đoạn tới, trong Chiến lược Tài chính (CLTC) giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Sau gần 10 năm thực hiện, CLTC đến năm 2020 đã góp phần quan trọng vào việc củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phân bổ các nguồn lực tài chính, củng cố tiềm lực tài chính quốc gia, cải thiện dư địa tài chính. Giai đoạn 2021-2030, đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen. Bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế dự báo có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 có thể kéo dài không những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới và các quốc gia mà còn thay đổi cấu trúc kinh tế, gây bất ổn kinh tế toàn cầu; cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại gây áp lực lớn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Đảm bảo và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính
TS. Nguyễn Như Quỳnh

Vì vậy, CLTC 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu: Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, CLTC giai đoạn 2021-2030 đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: Đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Quản lý chi NSNN hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại chi theo hướng bền vững; ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ, tăng cường nguồn lực cho dự trữ quốc gia, tăng chi đầu tư phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội. Giảm dần bội chi, quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, thực hiện phát triển đồng bộ, minh bạch thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; trong đó chú trọng phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh; phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế; phát triển ổn định thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán; tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực thẩm định giá, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng thẩm định giá.

Giai đoạn tới, cũng đặt ra một số mục tiêu, như: đẩy nhanh việc đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập; thực hiện tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cơ chế quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số...

Tiên phong giải phóng nguồn lực, hóa giải khó khăn

PV: Có rất nhiều thách thức đặt ra trong giai đoạn tới, trong đó có yếu tố ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã, đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Ông có thể cho biết, những vấn đề này được đặt ra như thế nào trong Chiến lược ngành Tài chính giai đoạn 2021-2030, nhằm đảm bảo giữ vững các cân đối NSNN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trước mắt cũng như lâu dài?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng là môt quốc gia đang chịu những tác động nặng nề từ đại dịch, không chỉ ở trong lĩnh vực y tế mà còn ở các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Sự gián đoạn nguồn cung, đứt gãy các chuỗi giá trị có thể làm gia tăng các rủi ro kinh tế, tác động đến việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Để hạn chế những tác động tiêu cực này, đồng thời xây dựng các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, dự thảo CLTC xác định: Chính sách tài chính quốc gia đóng vai trò tiên phong trong việc huy động, giải phóng, định hướng phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chiến lược tập trung vào cải cách, nâng cao chất lượng thể chế tài chính theo hướng đồng bộ, minh bạch và hội nhập là điều kiện tiên quyết thúc đẩy nền tài chính quốc gia phát triển lành mạnh; coi trọng việc phát triển đồng bộ, hài hòa các loại thị trường, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Ngoài ra, dự thảo đặt ra việc tiếp tục cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) và tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP); phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách

PV: Được biết ngành Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện chính sách thu NSNN đồng bộ, bền vững hơn. Gần đây có nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo rằng, Việt Nam cần cơ cấu lại nguồn thu, nhất là các nguồn thu mới và đảm bảo tính công bằng, trung lập của hệ thống chính sách thuế. Những vấn đề về ngân sách đặt ra trong giai đoạn này như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Vấn đề đảm bảo các nguồn lực tài chính và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất trong CLTC giai đoạn 2021 - 2030.

Về cơ cấu lại thu NSNN, trong giai đoạn tới cần tập trung vào hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN đồng bộ, xây dựng hệ thống thu NSNN có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực vào NSNN, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Trong đó, tập trung vào: Thứ nhất, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm tính công bằng, trung lập của hệ thống chính sách thuế. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu.

Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế, khoản thu.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách thuế khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, các công nghệ ưu tiên phát triển, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tập trung vào 3 đột phá chiến lược

Một là, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập; thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) và tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP); cơ cấu lại NSNN và thị trường tài chính; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính ngoài nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính để sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tăng cường nguồn lực cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ba là, đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số, đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số.