Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030: Hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế Chiến lược phát triển Kho bạc nhà nước đến năm 2030: Mục tiêu cải cách, hiện đại tiệm cận khu vực và thế giới Nhiều kết quả nổi bật cải cách hiện đại hóa ngành Tài chính Ngành Tài chính: Không ngừng cải cách, hiện đại hóa, hỗ trợ doanh nghiệp

Hóa đơn điện tử - đột phá lớn của ngành Thuế

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN), xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế.

Về nộp thuế điện tử, tính đến ngày 31/5/2022, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 849.579 doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,97%.

Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/5/2022, các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua hơn 1,7 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 359.708 tỷ đồng và 22.330.282 USD.

Dấu ấn cải cách hiện đại hóa lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc
Triển khai trên toàn quốc hóa đơn điện tử là cải cách mang tính đột phá của ngành Thuế. Ảnh: TL.

Tính từ đầu năm đến ngày 31/5/2022, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 4.905 trên tổng số 4.956 doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận là 7.751 hồ sơ trên tổng số 7.808 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 6.078 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 51.121 tỷ đồng.

Đã có hơn 656 nghìn doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC. Triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, đến nay trên cả nước đã có 747.335 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 90,7%) và 50.603 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123 và Thông tư số 78.

Về dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile, đến ngày 31/5/2022, đã có 51.526 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, 49.246 tài khoản đăng ký giao dịch, 29.431 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 190,9 tỷ đồng…

Đây là những bước tiến mang tính đột phá góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Phát triển mạnh các dịch vụ hải quan số

Theo “Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030”, Hải quan Việt Nam được định hướng xây dựng chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh...

Một số chỉ tiêu cụ thể được đặt ra trong Chiến lược phát triển là đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành hải quan số; hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý nhà nước về hải quan; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia…

Về Cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính (TTHC) trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2022. Tính đến ngày 31/5/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,9 triệu bộ hồ sơ của hơn 54 nghìn doanh nghiệp.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước ASEAN.

Đến nay, đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, kho, bãi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan.

Bộ Tài chính đã phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh, giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển mạnh các dịch vụ hải quan số.

Đến năm 2025 không còn giao dịch tiền mặt

Cùng với các đơn vị trong ngành, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng đã đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, TTHC; hiện đại về công nghệ; đảm bảo quản lý chặt chẽ NSNN hướng đến mục tiêu xây dựng kho bạc điện tử, tiến tới kho bạc số với 3 không “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”.

Hiện nay, hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN, với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS.

Đã có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025, Kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử, liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước.

Vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN đến năm 2025. Theo đó, KBNN phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN./.