Phát hiện, lập biên bản 1.054 vụ vi phạm

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh quản lý địa bàn khá lớn với 11 đơn vị hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu, gồm cả cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế; tuyến sông Sài Gòn với chiều dài hơn 40 km, gồm 15 cảng lớn nhỏ với gần 200 hãng tàu biển đang hoạt động; gần 60 hãng hàng không đang khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất, cùng trên 50 nghìn doanh nghiệp (DN) trong nước và ngoài nước thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu (XNK)… Điều đó cho thấy, mức độ phức tạp và khó khăn trong công tác quản lý nói chung, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù vậy, báo cáo nhanh tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 10/2021 của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho thấy, toàn đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 116 vụ vi phạm hành chính về thủ tục hải quan, với trị giá hàng vi phạm ước tính hơn 36 tỷ đồng; nâng tổng số vụ vi phạm phát hiện từ đầu năm lên 1.054 vụ, trị giá hàng vi phạm ước tính 441,4 tỷ đồng.

Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện và ngăn chặn kịp thời một lô hàng cấm nhập tại cảng Cát Lái (TP. Thủ Đức).
Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện và ngăn chặn kịp thời một lô hàng cấm nhập tại cảng Cát Lái (TP. Thủ Đức). Ảnh: Đỗ Doãn

Thống kê các vụ vi phạm điển hình bị phát hiện, một cán bộ hải quan cho biết, đó là vụ Công ty Dược phẩm Leung Kai food Việt Nam có địa chỉ tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, phường Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhập nguyên liệu sản xuất thuốc về nhưng số hàng hóa này không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư đã tiến hành xử phạt và buộc tái xuất tất cả.

Kế đến là vụ: Đội Kiểm soát Hải quan và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) kiểm tra hàng hóa chứa trong một container do Công ty TNHH Kinh doanh Xuất nhập khẩu Thực phẩm Vietseatrust (1/11 Đường số 38, Khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) nhập về khai báo là 16 tấn sò huyết nguyên con đông lạnh đóng bao đồng nhất 20kg. Tuy nhiên, qua kiểm tra còn có thêm các mặt hàng không khai như cá ngựa khô, mang cá (nghi lược mang cá đuối loài Manta), cá Hải Long khô, phụ phẩm từ động vật biển (nghi vấn là bong bóng cá), sừng, móng vuốt, răng nanh, xương động vật, tổ yến vụn, phụ tùng xe máy, ô tô các loại, quần áo, đồ dùng, bánh kẹo, gỗ cắt khúc nhiều kích cỡ, mực ống nguyên con… Vụ việc hiện đang được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh mở rộng điều tra làm rõ.

Chủ động phương án đấu tranh và phòng chống

Với những vụ việc vừa nêu, có thể nói, nhiệm vụ chống buôn lậu – gian lận thương mại của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đang gặt hái những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, đơn vị đã lên phương án đấu tranh ngay từ đầu và giữa năm.

Chủ động lập chuyên án chống buôn lậu cho giai đoạn cuối năm

Ngoài việc chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, phương án trọng điểm, địa bàn trọng điểm, doanh nghiệp và mặt hàng trọng điểm… Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ lập chuyên án chống buôn lậu cho giai đoạn cuối năm, đồng thời chủ động thu thập thông tin để có thể phát hiện và bắt giữ gọn ghẽ nhiều vụ vi phạm hơn, góp phần đem lại môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và hạn chế tối thiểu tình trạng ngân sách nhà nước bị thất thu…

Cụ thể như xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống trước, trong và sau các dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; xây dựng các kế hoạch phòng chống theo tuyến đường trọng điểm (tùy đặc thù từng tuyến như đường biển, đường hàng không, đường chuyển phát nhanh... tại các đơn vị trực), mặt hàng trọng điểm, DN trọng điểm (kể cả DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh XNK và cả những DN gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng có biểu hiện lợi dụng các chế độ chính sách để thực hiện việc khai báo gian dối hàng cấm, hàng có điều kiện…).

Về triển khai công tác chống buôn lậu – gian lận thương mại sắp tới, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, với địa bàn hoạt động rất rộng và đa dạng, đối tượng kiểm soát hết sức phức tạp trong khi tình hình buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng diễn biến khó lường, biến tướng, xuất hiện nhiều hình thức gian lận mới…, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu của UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 389, Tổng cục Hải quan và của đơn vị. Đồng thời, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác kiểm soát hải quan của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu.

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát, duy trì công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, cảng biển, sân bay; thu thập thông tin về hàng hoá loại hình gia công, đầu tư; tăng cường đấu tranh với hiện tượng giả mạo hồ sơ, chứng từ để làm thủ tục hải quan; giả hồ sơ chứng từ để đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan; chủ động nắm bắt và cung cấp thông tin, xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, phối hợp với các lực lượng chức năng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không gây phiền hà, cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của DN…

TP. Hồ Chí Minh: Lô hàng 22.362 hộp sữa viện trợ đã được thông quan

Thông tin từ Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho hay, cơ quan này vừa hỗ trợ thủ tục và tổ chức thông quan lô hàng 22.362 hộp sữa do kiều bào ở Úc, Mỹ… tặng cho TP. Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid-19, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tại địa phương.

Chia sẻ về việc thông quan lô hàng sữa viện trợ trên, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) cho biết, ngay khi nhận thông tin về việc UBMTTQ TP. HCM tiếp nhận lô hàng trên, trước khi lô hàng về đến cảng, Cục Hải quan TP. HCM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn về thủ tục có liên quan đến lô hàng như: kiểm dịch động vật, đăng ký công bố sản phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm và các cơ quan cần liên hệ để được giải quyết theo thẩm quyền.

Trên cơ sở đó, UBMTTQ TP. HCM đã có công văn gửi Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để được xem xét miễn kiểm tra chuyên ngành cho lô hàng. Đồng thời, có công văn hỏa tốc, xin ý kiến từ Tổng cục Hải quan và nhận được chỉ đạo hướng dẫn xử lý đối với lô hàng trên…

Đến sáng ngày 15/11/2021, đại diện UBMTTQ TP. HCM đã đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I làm thủ tục nhập lô hàng. Toàn bộ các mẫu đạt các tiêu chí an toàn theo quy định hiện hành, được bảo quản tại cảng SP-ITC. Dù hồ sơ còn thiếu bản chính tờ khai xác nhận viện trợ của Sở Tài chính TP. HCM nhưng để tạo thuận lợi, chi cục hải quan đã hướng dẫn UBMTTQ TP. HCM khai báo và truyền tờ khai lên hệ thống điện tử, với cam kết sẽ bổ sung bản chính tờ khai này trong thời hạn 30 ngày.

Cục Hải quan TP. HCM sau đó đã hoàn thành thủ tục thông quan cho lô hàng vào chiều cùng ngày. Đơn vị cũng liên hệ với Tổng công ty Tân Cảng và đại lý hãng tàu để hỗ trợ tiền lưu bãi, lưu container cho UBMTTQ TP. HCM và đã được Tổng công ty Tân Cảng miễn toàn bộ số tiền lưu bãi.

Được biết, qua hai đợt bùng dịch kể từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan TP. HCM đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thông quan hàng hoá, nhất là hàng hoá liên quan đến việc cứu trợ, trang thiết bị y tế điều trị bệnh Covid-19. Đặc biệt, đơn vị đã lập Tổ phản ứng nhanh 1080 để thông quan hàng hoá một cách nhanh nhất nhằm kịp thời phục vụ phòng chống dịch.