Cần ưu tiên cho cơ sở hạ tầng của các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt và bão Yagi vừa qua. Ảnh tư liệu |
PV: Trong 8 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, với nhiều điểm sáng. Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế 8 tháng qua?
TS. Nguyễn Đức Độ: Về tổng thể, các số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho phép chúng ta nhận định rằng, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang diễn ra khá tích cực. Điển hình là lĩnh vực công nghiệp với đầu tàu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu như trong quý I/2024, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp chỉ ở mức 6,18% so với cùng kỳ, thì trong 6 tháng đầu năm đã đạt mức 7,54%, và trong 8 tháng năm 2024 con số là 8,6%. Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn tương ứng cũng cải thiện dần từ mức 6,98% lên 8,67% và 9,7%.
Hơn nữa, sự phục hồi diễn ra không chỉ về sản lượng công nghiệp, mà khả năng tạo việc làm của ngành này cũng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, số lượng lao động tại ngày 1/8/2024 đã tăng trưởng 4,5% so với thời điểm một năm trước, trong khi tại ngày 1/6/2024 chỉ tăng 3,8%, còn tại ngày 1/3/2024 con số chỉ là 1,1% so với cùng kỳ.
Sự lan tỏa của quá trình phục hồi cũng ngày càng rộng hơn trong 2 tháng đầu của quý III/2024. Nếu như đến hết tháng 6/2024 vẫn còn tới 7 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ, thì đến hết tháng 8/2024 sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp chỉ còn diễn ra tại 2 địa phương…
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rằng, sự phục hồi kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, điển hình là đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu. Đây vẫn là 2 động lực chính của quá trình phục hồi thời gian qua với tốc độ tăng trưởng trong 8 tháng so với cùng kỳ lần lượt là 8% và 15,8%. Trong khi đó, động lực phục hồi từ nhu cầu tiêu dùng trong nước hiện vẫn còn khiêm tốn, thậm chí bắt đầu có xu hướng giảm, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ sau khi loại trừ yếu tố giá, thấp hơn con số của 6 tháng đầu năm 2024 là 5,7%, mặc dù vẫn cao hơn con số 5,1% trong 3 tháng đầu năm 2024.
PV: Theo số liệu Tổng cục Thống kê, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, tính chung 8 tháng tăng 15,8%, xuất siêu 19,07 tỷ USD. Theo ông, đây có phải là điểm sáng trong bối cảnh bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm?
TS. Nguyễn Đức Độ: Như trên đã nói, xuất khẩu là một trong những động lực phục hồi chính của nền kinh tế Việt Nam trong 8 tháng năm 2024. Và con số tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,8% là rất cao, nếu so với tốc độ tăng trưởng của những lĩnh vực khác. Mặc dù có nguyên nhân là do bất ổn chính trị tại một số nước thời gian gần đây dẫn đến đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam, nhưng đây không phải nguyên nhân chính.
Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng xuất khẩu đã đạt mức 14,5% nhờ vào sự phục hồi cầu tiêu dùng tại một số nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Tất nhiên, cũng cần phải thấy rằng, xuất khẩu đạt tăng trưởng cao một phần khác là do chỉ phải so sánh với nền thấp của năm 2023. Nếu so với nền cao của 8 tháng năm 2022, chúng ta sẽ thấy sự phục hồi của xuất khẩu vẫn còn chậm với mức tăng trưởng chỉ đạt 5,7% trong 8 tháng năm 2024.
Còn về con số xuất siêu 19,07 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024, mặc dù cao hơn nhiều so với mức 11,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm và giúp Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá nhờ nguồn thu ngoại tệ tăng, nhưng việc xuất siêu lớn lại cho thấy bên cạnh xuất khẩu tăng mạnh, nhu cầu trong nước hiện nay vẫn còn yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến quá trình phục hồi chưa thật sự mạnh mẽ. Nói cách khác, tốc độ phục hồi kinh tế cao trong 8 tháng có nguyên nhân chính là do so với nền thấp của năm 2023, còn nếu so với nền cao của năm 2022 hay so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, tốc độ phục hồi kinh tế diễn ra tương đối chậm.
PV: Để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, cần chú trọng vào những động lực tăng trưởng nào của nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Với các kết quả đã đạt được về sản xuất kinh doanh trong 8 tháng năm 2024, khả năng cao kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi tốt trong quý III để đạt mức tăng trưởng cả năm 2024 khoảng 6-6,5%.
Có lẽ rủi ro lớn nhất đối với mục tiêu tăng trưởng là việc kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI - 2 động lực phục hồi chính từ quý II/2024, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực một cách trực tiếp. Bên cạnh đó, việc kinh tế Trung Quốc, châu Âu tăng trưởng chậm cũng là một rủi ro không nhỏ, bởi đây cũng là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hơn nữa, các khu vực này cũng xuất khẩu mạnh vào Mỹ nên nếu kinh tế Mỹ bị suy thoái, kinh tế các nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể.
Nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, Chính phủ, Quốc hội cần tính đến những giải pháp hỗ trợ khác để thúc đẩy nhu cầu trong nước, chẳng hạn như việc tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người chịu thuế thu nhập cá nhân.
Bên cạnh việc duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, lãi suất... như thời gian qua, Nhà nước cũng cần tính đến việc ban hành các chính sách về trợ cấp xã hội đối với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu bị sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế toàn cầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Rủi ro lớn nhất với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam Rủi ro lớn nhất đối với mục tiêu tăng trưởng là việc kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI - 2 động lực phục hồi chính từ quý II/2024, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực một cách trực tiếp. |