Thu hút vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng

Giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức đầu tư công hằng năm được Quốc hội phê duyệt đạt 59% tổng mức đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, số vốn ngân sách trung ương đạt 53,4% tạo áp lực lớn cho cân đối ngân sách năm 2024 và 2025.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021, 2022 đạt 93,56% kế hoạch, trong đó năm 2021 đạt 95,7%, năm 2022 đạt 91,42%. Năm 2023 đạt hơn 90%.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đầu tư công có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ cấu đầu tư công đã chuyển dịch gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế và trợ giúp xã hội, khắc phục thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đầu tư công đóng vai trò là vốn mồi để thu hút các nguồn vốn tư nhân, FDI vào phát triển kinh tế - xã hội. Vốn đầu tư công giảm dần từ 25% năm 2020 xuống 16,34% năm 2022 và hướng tới 16 - 17% đến năm 2025 trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Quy mô vốn đầu tư công nguồn NSNN tăng từ 16% năm 2022 lên 23% năm 2023 tạo điều kiện tốt hơn để đầu tư vào các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án quan trọng của quốc gia và các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển, đặc biệt là thu hút vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư trước khi Luật Đầu tư theo đối tác công tư có hiệu lực.

Tính từ năm 2009 cả nước chỉ có 336 dự án đầu tư theo đối tác công tư, nếu loại trừ 188 dự án theo hợp đồng BT thì trung bình mỗi năm chỉ có 7 dự án. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay đã có 24 dự án đầu tư theo đối tác công tư, trong đó có 10 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 160 nghìn tỷ đồng.

Tạo “lực đẩy” từ các dự án trọng điểm

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các năm đầu kỳ kế hoạch thường chậm, nhất là vốn nước ngoài. Một số dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2017, 2018 nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan, chủ quan vẫn chưa giải ngân hết số vốn được giao, tạo áp lực rất lớn đến cân đối NSNN giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Tập trung thúc đẩy giải ngân các công trình trọng điểm có sức lan tỏa vùng.

Trong giai đoạn 2021 - 2023 đến hết niên hạn ngân sách số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là khá lớn, chủ yếu cân đối vốn ngân sách địa phương, như năm 2021 là hơn 22.563 tỷ đồng, chiếm 4,9% kế hoạch...

Tình trạng đề xuất điều trình giảm kế hoạch vốn tiếp tục có xu hướng tăng nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân 2 nguồn vốn này rất chậm.

Có rất nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã hiến kế về các giải pháp nâng cao hiệu quản đầu tư công trong giai đoạn tới. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị cần giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư công và tăng tỷ trọng của các nguồn vốn khác trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đồng thời, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư công để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư công trong thời gian trước đây thường chậm trễ, tạo ra thói quen và sự trì chệ, chậm triển khai hoạt đông đầu tư trong các tháng đầu năm, thường chỉ được đẩy mạnh vào các tháng cuối năm.

Từ cuối năm 2019, kế hoạch vốn đã được giao rất sớm từ đầu năm theo kế hoạch cho các địa phương, bộ, ngành. Tuy nhiên, việc phân bổ vốn của các địa phương, bộ, ngành cho các dự án còn chậm trễ, gây bị động cho các chủ đầu tư dự án.

Năm 2022, 2023 do việc ban hành văn bản quy định và phân bổ các nguồn vốn thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia chậm nên việc phân bổ một bộ phận vốn đầu tư công bị chậm phân bổ cũng kéo chậm tốc độ giải ngân vốn.

Trên thực tế, nhiều chủ dự án đầu tư công chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, các các thủ tục để triển khai các công việc từ giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đàm phán với các nhà tài trợ, ký kết hợp đồng..., nên tiến trình thực hiện dự án bị chậm lại.

Đồng thời, khi xây dựng các dự án để vay vốn ưu đãi của các tổ chức quốc tế và các nước tài trợ, các địa phương tỉnh, thành phố đã cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng. Nhưng đến khi có dự án, lại gặp nhiều khó khăn về vốn đối ứng, gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

Đồng thời, tăng cường triển khai quyết liệt hơn nữa Luật Đầu tư công, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, giải ngân nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm có sức lan tỏa vùng, tạo ”lực đẩy” cho tăng trưởng. Ngoài ra, rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng.

Trong đó, tập trung rà soát, tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh quy định pháp luật để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và đúng pháp luật. Tiếp tục đơn giản hóa cao nhất về trình tự, thủ tục, tăng cường giám sát, hậu kiểm, chống thất thoát, lãng phí.

Có như vậy mới khơi thông được dòng vốn cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời ngăn được nỗi lo giải ngân vốn đầu tư công chậm, như "căn bệnh" "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Gắn trách nhiệm, tăng tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho địa phương

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch, gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.

Đồng thời, kiên quyết cắt giảm số lượng, kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công.