Gỡ vướng công tác giải phóng mặt bằng

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quy mô của dự án gồm 2 tuyến: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, có chiều dài khoảng 147 km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53 km, đường cấp 4 miền núi. Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024. Tính đến đầu tháng 4/2023, có 8/11 gói thầu đã được triển khai thi công, sản lượng thi công đạt 8,4%.

Dự án hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái về Hà Nội. Ảnh: TRÍ DŨNG
Dự án hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái về Hà Nội. Ảnh: Trí Dũng

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Bộ GTVT đã chấp thuận phân bổ nguồn vốn đối ứng hơn 201 tỷ đồng từ các hạng mục chưa sử dụng để thực hiện công tác GPMB. Đồng thời, phân khai chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho công tác GPMB của dự án là hơn 178 tỷ đồng. Trong đó, hơn 60 tỷ đồng được bố trí cho tỉnh Lai Châu.

Mặc dù vậy, tình hình triển khai công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang gặp một số khó khăn. Đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Lai Châu địa phương mới bàn giao mặt bằng cho nhà thầu được 51,75 km/82,47 km (đạt 62,8%). Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ GTVT cũng đã đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo UBND TP. Lai Châu cùng các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục, chi trả tiền đền bù, tuyên truyền vận động các hộ dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đối với các phạm vi còn lại để triển khai thi công.

Liên quan đến công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (HTKT), Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục làm việc trực tiếp với các chủ sở hữu để có văn bản cam kết tiến độ di dời các công trình HTKT theo từng đoạn tuyến phù hợp với kế hoạch thi công, hoàn thành trong tháng 4/2023.

Tăng cường kiểm định chất lượng dự án

Cũng theo Bộ GTVT, dự án có địa chất phức tạp, thay đổi bất thường, nhiều vị trí đào sâu, đắp cao, nguồn vật liệu khu vực dự án không ổn định. Chính vì vậy, để tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình trong quá trình thi công, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương cho phép triển khai thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình trong quá trình thi công.

Căn cứ tình hình thực tế triển khai, Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 với vai trò chủ đầu tư của dự án kiểm tra, rà soát, xem xét cụ thể các hạng mục cần thiết thực hiện kiểm định chất lượng công trình trong quá trình thi công. Lưu ý tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định công trình như: đào sâu, đắp cao, có sử dụng các giải pháp gia cố bằng tường chắn, đinh neo, các vị trí cầu lớn; chất lượng thi công các lớp móng, mặt đường...

Đồng thời, đơn vị kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ chi phí hạng mục kiểm định chất lượng công trình đảm bảo không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án.

Đề nghị sớm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án

Trước tiến độ yêu cầu rất cấp bách, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp quan tâm, ưu tiên xem xét tách hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án để thẩm định, hoàn tất các thủ tục; đồng thời với quá trình các địa phương hoàn thiện hồ sơ, hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng) để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án.

Một khó khăn nữa cần tháo gỡ là việc chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án. Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN), Tổng cục Lâm nghiệp ưu tiên xem xét hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án.

Cũng theo Bộ GTVT, triển khai các nghị quyết liên quan của Chính phủ, UBND các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các hồ sơ, thủ tục và ban hành các nghị quyết, quyết định đối với việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hoặc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, báo cáo Bộ NN&PTNT.

Hiện nay, các gói thầu xây lắp của dự án đã triển khai thi công trên hiện trường. Tuy nhiên, các gói thầu đều gặp khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB do đặc thù của dự án là địa hình miền núi, phạm vi thi công các gói thầu hầu hết đều có diện tích thu hồi đất rừng. Đây lại là dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của nhà tài trợ ADB, hiệp định vay vốn sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2025, yêu cầu dự án phải hoàn thành toàn bộ trước ngày 31/12/2024.

Nếu công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không được hoàn thành sớm để đủ điều kiện thực hiện công tác GPMB, tổ chức thi công đồng loạt các gói thầu trong đầu quý II/2023, dự án sẽ khó đáp ứng được tiến độ yêu cầu./.